Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, trước đây, người dân Thái Lan sử dụng ứng dụng Mor Prom của Bộ Y tế để đặt lịch hẹn tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ứng dụng này sau đó đã được điều chỉnh để chỉ bao gồm chức năng báo cáo phản ứng phụ của vaccine. Giờ đây, ứng dụng Mor Prom sẽ sớm được tích hợp Thẻ thông hành y tế số chứa thông tin chi tiết về tiêm chủng của người dùng và trạng thái COVID-19. Ứng dụng có thể được sử dụng để vào một số nơi nhất định mà người muốn tới phải chứng minh tình trạng tiêm vaccine của họ.
Bộ Y tế hôm 8/9 đã ký thỏa thuận với Tổng cục Hàng không Dân dụng Thái Lan (CAAT) và Hiệp hội Hàng không Thái Lan (AAT) về việc sử dụng ứng dụng này cho các chuyến bay. Thứ trưởng Bộ Y tế Sathit Pitutecha cho biết Bộ Y tế chịu trách nhiệm cung cấp thông tin để ứng dụng hoạt động, bao gồm các chi tiết tiêm chủng, kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc ATK và hồ sơ về các ca nhiễm bệnh.
Ông Sathit cho biết với việc Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, các doanh nghiệp hàng không hiện đang tiếp tục hoạt động theo phương pháp phòng ngừa COVID-19 toàn cầu. Các doanh nghiệp hàng không hiện đã sẵn sàng tuân theo các biện pháp mới để giúp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Đó là một trong những lý do tại sao Bộ Y tế ký thỏa thuận 3 năm để sử dụng Thẻ thông hành y tế số cho ngành hàng không và hành khách. Thẻ thông hành y tế số sẽ được sử dụng cho các chuyến bay nội địa và dự kiến sẽ sớm được triển khai.
Về tình hình dịch bệnh tại Thái Lan, số ca nhiễm mới ghi nhận ngày 9/9 lại vượt ngưỡng 16.000 ca/ngày sau vài ngày giảm. Bộ Y tế Thái Lan cho biết nước này có thêm 16.031 ca nhiễm mới cùng 220 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 1.3.550 ca, trong đó có 13.731 người không qua khỏi.
* Tại Indonesia, người phát ngôn Bộ Y tế Siti Nadia Tarmizi ngày 8/9 cho biết chính phủ nước này đang đặt mục tiêu tăng tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 lên 2,5 triệu liều mỗi ngày trong tháng 9 này.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại một hội thảo trực tuyến, bà Siti Nadia nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng tôi là tiêm 2,5 triệu liều vaccine mỗi ngày, trong đó 1,5 triệu tại các khu vực trên đảo Java và Bali, trong đó tập trung tại 7 khu vực đô thị; và một triệu liều tại các vùng bên ngoài hai hòn đảo đông dân này”. Bà Siti Nadia cho rằng thách thức đối với chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 hiện nay là nhu cầu lớn, trong khi nguồn cung vaccine phụ thuộc vào các lô hàng từ nước ngoài và hoạt động sơ chế vaccine trong nước.
Bộ trưởng Siti Nadia thông báo rằng cho đến nay, Indonesia đã tiếp nhận tổng cộng 225 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Theo Hệ thống Giám sát tiêm chủng và hậu cần điện tử (SMILE) của Bộ Y tế, tính đến ngày 7/9, 106 triệu trong số 155 triệu liều phân phối đã được sử dụng, đạt 69%.
Hiện Indonesia đã tiến hành tiêm vaccine của các hãng Moderna và Pfizer cho người dân, trong đó ưu tiên cho phụ nữ mang thai và các nhân viên y tế. Sau khi phủ rộng tại Jakarta, vaccine của Pfizer sẽ được phân phối đến các tỉnh, thành khác song công tác này sẽ là một thách thức khá lớn vì loại vaccine cần được bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C. Do vậy, chúng không thể được phân phối đến các vùng sâu vùng xa của Indonesia.