Phó phát ngôn viên Chính phủ Traisuree Taisaranakul cho biết việc đăng ký trực tuyến, được ấn định trong khoảng thời gian từ ngày 25/1 đến 13/2, sẽ cho phép lao động nhập cư từ ba nước nói trên ở lại làm việc tại Thái Lan trong 2 năm, hoặc cho đến ngày 16/2/2023.
Theo bà Traisuree, nhiều lao động nhập cư đã bị phát hiện nhiễm bệnh trong đợt bùng phát COVID-19 mới. Khi chính phủ cố gắng xét nghiệm thêm nhiều người trong số họ ở các khu vực có nguy cơ, rất nhiều chủ sử dụng lao động di cư bất hợp pháp đã chuyển họ đến các khu vực khác và bỏ rơi họ ở đó. Một số lao động nhập cư bất hợp pháp cũng tự nguyện rời khỏi các khu vực đó vì sợ bị truy tố. Điều này khiến việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trở nên khó khăn hơn.
Liên quan đến vòng đăng ký mới, lao động nhập cư bất hợp pháp không có chủ sử dụng phải tìm được một người thuê trong vòng 90 ngày. Sau khi đăng ký trực tuyến, các quan chức y tế sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm COVID-19. Chi phí xét nghiệm và bảo hiểm y tế hai năm bắt buộc, tổng cộng 7.200 baht, sẽ do người lao động hoặc người sử dụng lao động chi trả.
Theo tờ Bangkok Post ngày 29/12, các chuyên gia ước tính có khoảng 2,3-2,5 triệu lao động nhập cư hợp pháp ở Thái Lan, trong khi có tới hơn 1 triệu người được cho là đang sống và làm việc bất hợp pháp tại nước này.
Đến nay, đợt bùng phát mới của COVID-19 đã lây lan ra 45/77 tỉnh, thành ở Thái Lan. Ngày 29/12, Thái Lan đã ghi nhận thêm 155 ca mắc COVID-19, bao gồm 134 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 10 ca trong khu cách ly và 11 ca là lao động nhập cư, nâng tổng số ca COVID-19 ở nước này kể từ tháng 1/2020 đến nay lên 6.440 ca. Trước đó một ngày, Thái Lan cũng thông báo ca tử vong đầu tiên vì dịch COVID-19 trong gần hai tháng trở lại đây, nâng tổng số người không qua khỏi do COVID-19 ở nước này lên 61.