Theo Phó Tổng thư ký Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC) Danucha Pichayanan, trong số 8,5 tỷ baht nói trên, 5 tỷ baht sẽ được lấy từ khoản vay khẩn cấp 1.000 tỷ baht và phần còn lại được phân bổ từ Quỹ An sinh Xã hội.
Những người đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ gói cứu trợ mới phải đăng ký thông qua Quỹ An sinh Xã hội hoặc ứng dụng di động Thung Ngern trong tháng 7.
Ông Danucha cho biết tại cuộc họp hôm 29/6, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã yêu cầu nhóm kinh tế của ông nghiên cứu các biện pháp bổ sung để hỗ trợ những người làm nghề tự do và các doanh nghiệp nhỏ (SME) và vừa bị ảnh hưởng bởi tác động kinh tế của đại dịch.
Cũng trong ngày 29/6, Nội các Thái Lan đã cho phép 7 tổ chức tài chính nhà nước kéo dài các biện pháp miễn trừ nợ cho khách hàng trong 6 tháng nữa để giúp giảm bớt tác động của đại dịch COVID-19.
Các biện pháp áp dụng hiện nay sẽ hết hạn trong tháng 6 hoặc tháng 7. Những tổ chức nói trên đã cung cấp các biện pháp cứu trợ cho 7,56 triệu cá nhân và SME, với tổng mức vay là 3.460 tỷ baht kể từ tháng 2/2020. Các biện pháp này bao gồm việc đình chỉ trả nợ gốc và lãi cũng như kéo dài thời gian trả nợ.
Ngoài ra, Nội các Thái Lan cũng thông qua các biện pháp cho vay bổ sung dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm tăng thời hạn cho vay ưu đãi của Ngân hàng Tiết kiệm Chính phủ (GSB) lên tối đa 7 năm so với thời hạn 5 năm ban đầu và kéo dài thời gian ân hạn nợ gốc cho các khoản vay ưu đãi này từ 1 năm lên 2 năm.
Thái Lan ngày 30/6 ghi nhận thêm 4.786 ca nhiễm mới COVID-19 cùng 53 trường hợp tử vong – mức tử vong cao nhất theo ngày kể từ đầu mùa dịch tới nay. Đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 259.301 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 2.023 người không qua khỏi.