Tuyến đường sắt cao tốc nối các sân bay Don Mueang và Suvarnabhumi ở Bangkok và U-Tapao ở tỉnh Rayong có chiều dài 220km, với tốc độ tàu chạy lên tới 250km/h. Dự án này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế của Thái Lan và tạo hơn 100.000 việc làm.
Phát biểu tại lễ ký hợp đồng ngày 24/10, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh dự án này có ý nghĩa rất quan trọng vì sẽ tăng việc làm, đóng góp vào việc mở rộng các đô thị mới và thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.
Cũng tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thái Lan Anutin Charnvirakul khẳng định dự án phát triển tuyến đường sắt nói trên là một cột mốc lịch sử vì tuyến đường sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho hệ thống đường sắt của đất nước, đồng thời hỗ trợ kết nối không ngừng nghỉ. Theo ông Anutin, tuyến đường sắt cao tốc này là dự án vận chuyển công cộng có giá trị lớn nhất của Thái Lan.
Việc ký hợp đồng cũng chứng tỏ sự hợp tác giữa các nước ở châu Á do đây là lần đầu tiên Nhật Bản và Trung Quốc, hai trong số các nước hàng đầu về công nghệ tàu cao tốc, cùng đầu tư vào một đại dự án ở nước thứ ba. Ngoài ra, dự án sẽ thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài và đóng góp vào phát triển theo kế hoạch Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) của Thái Lan.
Phó Thủ tướng Anutin cho biết Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ đầu tư thêm hai dự án đường sắt cao tốc nữa, gồm tuyến đường phía Bắc nối Bangkok với tỉnh Chiang Mai và tuyến đường miền Nam nối Bangkok với Hua Hin, thuộc tỉnh Prachuap Khiri Khan và tỉnh Surat Thani.
Theo kế hoạch, việc xây dựng tuyến đường sắt nối ba sân bay quốc tế sẽ bắt đầu trong vòng 12 tháng tới hoặc tháng 10/2020 và tuyến đường sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2025.
Tổng thư ký Văn phòng Hành lang Kinh tế phía Đông Kanit Sangsubhan cho biết cơ quan này đang thảo luận với Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET) về khả năng đăng ký dự án đường sắt cao tốc này là một doanh nghiệp niêm yết của SET để huy động các nguồn tài chính.