Thái Lan trở lại vạch xuất phát

Sự thoáng đãng, yên ả trên những con phố ở thủ đô Bangkok của Thái Lan cùng những hy vọng mới nhen nhóm về một dấu chấm hết cho cuộc khủng hoảng kéo dài gần 5 tháng qua khi làn sóng biểu tình đã hạ nhiệt nhiều từ đầu tháng, bỗng chốc tiêu tan bởi quyết định bất ngờ ngày 21/3 của Tòa án Hiến pháp bác bỏ cuộc bầu cử hồi tháng 2.

 

Người biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan đã nối lại các cuộc biểu tình tại Bangkok ngày 24/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Phán quyết của Tòa án Hiến pháp về tính pháp lý của cuộc bầu cử từng là niềm hy vọng giúp giải quyết khủng hoảng chính trị của chính phủ tạm quyền đã đẩy mọi nỗ lực của đảng Puea Thai (Vì nước Thái) cầm quyền trở lại điểm xuất phát của 5 tháng trước. Giờ đây họ và đảng Dân chủ (DP) đối lập phải thương lượng lại từ đầu để có thể đi tới một cuộc bầu cử mới bởi nếu không có sự tham gia của phe đối lập, cuộc bầu cử mới cũng lại chung số phận với cuộc bầu cử trước. Tuy nhiên, để đạt được một thỏa thuận trong bối cảnh vẫn còn nguyên những quan điểm trái ngược nhau là điều không dễ và người ta bắt đầu lo ngại về một cuộc khủng hoảng mới sâu sắc hơn đang chờ xứ Chùa vàng.


Phán quyết gây tranh cãi


Từng được kỳ vọng sẽ góp phần hóa giải những bất ổn sâu sắc trong lòng dân tộc sau một thời gian dài chìm trong làn sóng biểu tình, thế nhưng cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2/2014 ở Thái Lan đã không diễn ra như mong đợi với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp (chưa đến 50%), nhiều điểm bỏ phiếu không thể tiến hành do vấp phải sự cản trở của người biểu tình hay sự tẩy chay của phe đối lập. Trong khi đảng Puea Thai và Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) đang nỗ lực tổ chức bầu cử lại ở những địa điểm này thì Tòa án Hiến pháp đột ngột ra phán quyết không công nhận với lý do cuộc bầu cử là vi hiến khi không diễn ra trong cùng một ngày trên cả nước.


Không chấp nhận phán quyết của tòa án mới được lập năm 2006 này, đảng Puea Thai của nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra cho rằng đây là một động thái "đáng tiếc", tạo "tiền lệ nguy hiểm" cho các cuộc bầu cử trong tương lai và dọa kiện DP cũng như thủ lĩnh phong trào biểu tình Suthep Thaugsuban và EC vì đã làm cho cuộc bầu cử bị mất hiệu lực, gây thiệt hại cho đất nước. Theo Puea Thai, phán quyết của tòa đặt ra nhiều tranh cãi như ai sẽ phải chịu trách nhiệm về khoản chi phí tổ chức bầu cử 3 tỷ bath hay tại sao quyền tranh cử và bỏ phiếu của người dân lại không được tôn trọng hoặc liệu những người cản trở bầu cử có phải chịu trách nhiệm về sự thất bại của cuộc bầu cử vừa qua hay không…


Trong khi đó, được đà từ phán quyết của Tòa án Hiến pháp rõ ràng nghiêng về phía mình, phe chống chính phủ ngay lập tức muốn làm sống lại cuộc chiến đường phố để tiếp tục duy trì đòi hỏi của mình là tiến hành cải cách trước khi có bất kỳ cuộc bầu cử nào. Lực lượng chống chính phủ ngày 24/3 từ vị trí thu hẹp lại ở công viên Lumpini trước đó vài tuần lại bắt đầu vươn ra các tuyến phố thương mại chính nhằm chuẩn bị cho những cuộc biểu tình lớn trong những ngày tới. Như vậy, phán quyết của Tòa án Hiến pháp đang khiến bầu không khí ở thành phố lớn nhất Đông Nam Á này nóng trở lại sau một thời gian lắng dịu.


Thái Lan trước ngã ba đường


Cuộc bầu cử 2/2 không được công nhận đã đẩy Thái Lan trở lại vạch xuất phát đồng thời cũng đặt ra một tương lai đầy bất định cho quốc gia Đông Nam Á này.


Theo quy định, 60 ngày sau phán quyết của tòa, một cuộc bầu cử mới phải được tổ chức. Chính phủ tạm quyền của đảng Puea Thai, với khả năng cầm chắc chiến thắng trong tay, không muốn để lâu nên có thể ấn định cuộc bầu cử mới vào giữa tháng 5 tới. Tuy nhiên, quyết định này cần có sự ủng hộ của Ủy ban bầu cử. Còn trong trường hợp chính phủ vẫn cố xúc tiến một cuộc bầu cử mới, thì ai dám chắc nó sẽ tránh được “vết xe đổ” bởi lực lượng biểu tình và phe đối lập, không có dấu hiệu xuống thang, sẽ lại có các hành động cản trở như trước.


Khả năng thứ hai, theo một tiền lệ của năm 2006, cuộc bầu cử có thể được hoãn lại ngoài thời hạn trên nếu có sự nhất trí của tất cả các đảng phái. Tuy nhiên, điều kiện mà phe đối lập cũng như lực lượng biểu tình chống chính phủ đưa ra để đàm phán vẫn kiên định là Thủ tướng Yingluck phải từ chức, để một nhân vật trung gian lên điều hành chính phủ (trong đó đảng cầm quyền không có vai trò gì), tiến hành cải cách và rồi mới tổ chức bầu cử. Đảng Puea Thai hiển nhiên không chấp nhận các giải pháp này, cáo buộc đảng Dân chủ đối lập phối hợp với phong trào biểu tình và các cơ quan độc lập để thực hiện âm mưu lật đổ chính phủ, và khẳng định chỉ có bầu cử mới là lối thoát duy nhất cho cuộc khủng hoảng kéo dài hiện nay.


Trong khi đó, cáo buộc nhằm vào Thủ tướng Yingluck của Ủy ban chống Tham nhũng Quốc gia đang dần tới hồi kết và nếu bị kết tội, bà Yingluck sẽ buộc phải từ chức.


Cho đến tháng trước, phe “Áo Đỏ”, lực lượng ủng hộ chính phủ vốn có ảnh hưởng lớn ở miền bắc và đông bắc Thái Lan, vẫn chủ trương tránh gây hấn với phong trào biểu tình ở Bangkok để tránh sự can thiệp của quân đội vốn không mấy thiện cảm với họ. Tuy nhiên, quân bài chủ chốt của “Áo Đỏ” là đe dọa nổi dậy biểu tình quy mô lớn và hiện đã sẵn sàng để tiến về thủ đô trong trường hợp bà Yingluck bị quân đội, tòa án hay những cơ quan độc lập truất quyền.


Nhìn lại Thái Lan 5 tháng qua. Lực lượng biểu tình đã không thể lật đổ Thủ tướng Yingluck, hay kích động đủ bạo lực để buộc quân đội phải can thiệp. Bà Yingluck và đảng cầm quyền Puea Thai cũng không thành công trong việc tiến hành cuộc bầu cử mà họ đã phát động, cũng như đẩy lùi phong trào biểu tình khỏi Bangkok. Đã có vài cuộc đối thoại giữa hai bên, song chúng thường kết thúc mà không có bất cứ thỏa hiệp nào. Trở lại vạch xuất phát, Thái Lan sẽ đi về đâu? Rất khó có thể trả lời, song điều mà gần 70 triệu người dân ở đất nước xinh đẹp này cũng như cộng đồng quốc tế có thể thấy rõ là căng thẳng, bất ổn còn kéo dài và chắc chắn tác động đến kinh tế, hình ảnh, vị thế của Thái Lan.

 

Khánh Linh

Phe đối lập Thái Lan biểu tình trở lại
Phe đối lập Thái Lan biểu tình trở lại

Sau một thời gian im ắng, người biểu tình chống chính phủ Thái Lan ngày 24/3 đã tổ chức một cuộc tuần hành khởi động ở thủ đô Bangkok để huy động lực lượng tham gia cuộc biểu tình lớn dự kiến vào ngày cuối tuần 29/3.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN