Theo Bộ trưởng Thammanat Prompow, Bộ Nông nghiệp đang nỗ lực loại bỏ các loài xâm lấn có nguồn gốc từ Tây Phi vì chúng là loài săn mồi và gây nguy cơ lớn cho đa dạng sinh học dưới nước. Các cơ quan liên quan đã được yêu cầu nghiên cứu xem liệu việc khử trùng có ảnh hưởng đến nhiễm sắc thể của cá và dẫn đến đột biến loài hay không. Cơ quan quản lý ngành cao su Thái Lan (RAOT) cũng được yêu cầu thành lập một quỹ để mua cá làm phân bón cho các đồn điền cao su.
Nhà chức trách nông nghiệp Thái Lan thừa nhận không rõ thời điểm cũng như cách thức cá rô phi blackchin du nhập vào Thái Lan song cho biết Bộ trên đã tiến hành đánh bắt loài cá này ở nhiều tỉnh trong thời gian dài. Ông Thammanat nhấn mạnh việc đưa loài đặc biệt này vào Thái Lan là bất hợp pháp trừ khi có sự cho phép của chính quyền.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Điều hành Nghiên cứu và Nhân giống Cá của Công ty Thực phẩm CP (CPF) Premsak Wanatsunthorn phủ nhận sự liên quan của công ty với việc xuất hiện ngày càng nhiều cá rô phi blackchin.
Ông Premsak cho biết CPF từng nhập khẩu hợp pháp 2.000 con cá cho mục đích nghiên cứu vào năm 2010. Tuy nhiên, chỉ có 600 con sống sót và được Cục Thủy sản giám sát. Con số sau đó giảm xuống còn 50 do tình trạng sức khỏe kém. Công ty sau đó đã quyết định dừng nghiên cứu và tiêu diệt cá bằng clo vào tháng 1/2011.
Ông Premsak cũng cho biết các quan chức Cục Thủy sản đã điều tra trang trại cá của CPF ở tỉnh Samut Prakarn khi phát hiện loài này lây lan trên đường thủy vào năm 2017.
Mặc dù bị mang tiếng xấu là loài đe dọa đa dạng sinh học dưới nước, cá rô phi blackchin là một thực phẩm khá quen thuộc ở nhiều địa phương Thái Lan, kể cả thủ đô Bangkok. Mới đây, Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt đã tải lên một đoạn video trên trang Facebook của ông cho thấy cá rô phi đen đang được nấu chín, gợi ý rằng loài cá này có thể được chế biến thành nhiều món ăn ngon.