Nhưng từ khi các vụ cháy rừng liên tiếp bùng phát trong năm 2020 đã khiến nhiều vùng của khu vực được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới này trở nên tiêu điều, ngập trong tro bụi và xác động vật cháy thành than, chú báo đốm Amanaci chỉ còn biết tìm cách chạy trốn với cơ thể đầy những vết thương không chưa lành.
Hai tháng trước, Amanaci được tìm thấy khi đang náu mình trong một chuồng gà ở Pocone, thuộc bang Mato Grosso, miền Trung Tây Brazil, cố gắng chạy trốn đám cháy. Hình ảnh báo Amanaci sợ hãi trốn trong một góc chuồng gà, với bàn chân cháy xém trơ cả xương, đã trở thành biểu tượng nhức nhối về sự hủy diệt ở vùng đất ngập nước nhiệt đới lớn nhất hành tinh này. Bỏng độ 3 ở bàn chân, Amanaci hiện đang được chăm sóc tại Viện Nex, một tổ chức phi chính phủ về bảo tồn động vật hoang dã, cách môi trường sống tự nhiên quen thuộc của nó khoảng 1.000 km. Dù các chuyên gia của Nex đã sử dụng những phương pháp chữa trị tiên tiến nhất (gồm cả ứng dụng công nghệ tế bào gốc), báo Amanaci - hay "Nữ thần mưa" trong ngôn ngữ thổ dân Tupi-Guarani- sẽ không thể trở lại quê hương Pantanal. Ngọn lửa đã tàn phá những sợi gân khiến báo đốm không thể mở rộng móng vuốt của mình, nghĩa là không thể săn mồi, cũng không thể leo trèo, mất khả năng sinh tồn trong môi trường tự nhiên.
Điều đáng buồn là ngoài Amanaci, Viện Nex cũng đang cưu mang 23 cá thể họ mèo, đều là những động vật hoang dã đã mất đi môi trường sống và suy giảm khả năng sinh tồn vì các vụ cháy rừng. Theo các số liệu thống kê, từ đầu năm 2020 tới nay, hỏa hoạn đã thiêu rụi 23% diện tích của vùng Pantanal (Brazil), lan sang cả Paraguay và Bolivia. Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường và các chuyên gia bảo tồn cho rằng việc con người mở rộng hoạt động khai thác trong các khu bảo tồn vì mục đích kinh tế, nạn phá rừng và công tác ngăn chặn cháy rừng chưa được quan tâm thỏa đáng là nguyên nhân dẫn tới thảm cảnh này.