Thảm hoạ thế kỷ
Có mặt tại tỉnh Kahramanmaras của Thổ Nhĩ Kỳ vài ngày sau trận động đất, những gì mà điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của Liên hợp quốc Martin Griffiths được chứng kiến là “vô cùng gây sốc”. Nếu như trước đây, đó là một toà nhà dành cho các gia đình sinh sống, thì nay trông giống như một đống chất thải xây dựng. Tất cả “méo mó dị thường”. Ông Griffiths nhận định, đây là “trận động đất thảm khốc nhất trong 100 năm qua".
Về phần mình, Tổng Giám đốc Giảm thiểu rủi ro động đất tại Cơ quan Quản lý khẩn cấp và thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD), ông Orhan Tatar cho biết chỉ tính riêng 2 trận động đất đầu tiên vào rạng sáng 6/2, năng lượng do chúng giải phóng tương đương với 500 quả bom hạt nhân. Trả lời các phóng viên hôm 11/2, ông Tatar thừa nhận rằng mức độ nghiêm trọng của thảm họa trên đã vượt quá dự đoán của ông và các đồng nghiệp.
Quả thực, những gì mà trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria gây ra thật khủng khiếp. Chỉ tính riêng tại Thổ Nhĩ Kỳ, về vật chất, theo ước tính của Hiệp hội Kinh doanh và Doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, nước này có thể thiệt hại tới 84,1 tỷ USD. Tuy nhiên, điều đó không thấm tháp gì so với sự mất mát về con người.
Tới nay, hàng chục nghìn người đã thiệt mạng và còn rất nhiều người đang bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Vẫn biết rằng 90% người sống sót sau động đất được giải cứu trong 72 giờ đầu tiên, nhưng khi “mốc vàng của sự sống” ấy qua đi từ lâu, công cuộc cứu hộ cứu nạn vẫn tiếp tục với hi vọng “còn nước còn tát”. Dẫu vậy, hi vọng về kì tích của sự sống đang nhạt dần. Trong khi cầu nguyện cho những nạn nhân xấu số, hàng chục nghìn người sống sót sau thảm hoạ thế kỷ đang tự hỏi điều gì chờ đợi họ ở phía trước khi người thân không còn và đã mất nhà cửa, tài sản.
Hãng tin AP của Mỹ cho hay tại làng Polat thuộc tỉnh Malatya ở Thổ Nhĩ Kỳ, cách tâm chấn khoảng 100 km, hầu như không còn ngôi nhà nào nguyên vẹn. Người dân đang tìm cách sửa chữa những chiếc tủ lạnh, máy giặt và đồ gia dụng khác lôi ra từ đống đổ nát. Zehra Kurukafa, một người dân làng, cho biết, do không có đủ lều trú ẩn, 4 gia đình phải chia sẻ một chiếc lều và họ phải ngủ cùng bùn đất.
Tại thành phố Adiyaman, Musa Bozkurt (25 tuổi) đang đợi xe cứu trợ chở anh cùng những người khác đến thành phố Afyon, miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ. Bozkurt nói: “Chúng tôi được đưa đến một nơi xa nhưng không biết điều gì đang chờ đợi. Chúng tôi không có mục tiêu. Ngay cả khi trước đó có kế hoạch thì có ích gì sau giờ này? Tôi không còn cha hay chú. Tôi chẳng còn gì”.
Người lớn đã vậy, với những đứa trẻ, tương lai còn mờ mịt hơn. Theo ước tính của người phát ngôn Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), ông James Elder, tổng số trẻ em sinh sống tại 10 tỉnh chịu ảnh hưởng của 2 trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ là 4,6 triệu, trong khi con số này tại Syria là 2,5 triệu. Nhiều em trong số đó mất đi bố hoặc mẹ hoặc cả bố lẫn mẹ trong các trận động đất; nhiều em bơ vơ không nhà không cửa, chịu đói, chịu rét với nguy cơ dịch bệnh. Các em rất cần hỗ trợ tâm lý để vượt qua nỗi đau mất mát gia đình. Các em cũng rất cần một nơi nương tựa để không trở thành nạn nhân của bạo lực, lạm dụng, nguy cơ bị lọt vào đường dây buôn người.
Thắp lên ngọn lửa yêu thương, chia sẻ
Trận động đất thế kỷ đã khiến hàng nghìn toà nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đổ ụp kéo theo vô số sinh mạng chôn vùi dưới đống đổ nát. Trong khi thấp thỏm trong hi vọng lẫn lo âu, mong nhận được thông tin tốt lành về những người thân yêu còn đang mất tích hoặc mắc kẹt trong các căn nhà bị đổ, nhiều người dân địa phương cảm thấy may mắn vì bảo toàn được mạng sống đã cố gắng làm những điều có ý nghĩa.
Theo hãng tin Aljazeera, nhiều người dân sống sót tại Gaziantep (Thổ Nhĩ Kỳ) đã tổ chức đội phản ứng láng giềng để giúp đỡ lẫn nhau. Vài tiếng sau khi động đất xảy ra, nhiều chủ nhà hàng và quán bar đã mở cửa hàng phân phát trà nóng, bánh mì cùng nơi an toàn để bảo vệ các nạn nhân khỏi giá lạnh. Ông Mehmet Tasdelen, chủ một nhà hàng ở khu Gazimuhtar thuộc thành phố Gaziantep trong nhiều ngày sau động đất đã mở cửa hàng cho tất cả mọi người cần nơi ấm áp và thực phẩm. Tại một cửa hàng cà phê khác ở Gazimuhtar, người chủ đã tặng chăn và bữa ăn miễn phí trong cả ngày dành cho những người có nhu cầu. Nhiều tình nguyện viên đã đến Jandaris, Syria để hỗ trợ chôn cất hàng trăm nạn nhân trận động đất hôm 6/2. Khu vực nghĩa trang tại Jandaris đã trở thành nơi chôn cất hàng loạt với nhiều rãnh dài được hình thành.
Cộng đồng quốc tế cũng thể hiện tinh thần đoàn kết bằng cách viện trợ tài chính, hàng hóa nhằm giúp hai quốc gia này khắc phục hậu quả động đất. Hy Lạp, nước láng giềng là đồng minh NATO nhưng cũng là kẻ thù lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi hàng nghìn lều, giường và chăn đến Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Ukraine, một quốc gia đang mắc kẹt trong xung đột, nhiều người đã tham gia chiến dịch quyên góp hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi động đất.
Nghĩa cử của Việt Nam
Trong lần đầu tiên tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn đối với thảm hoạ thiên tai xảy ra ở rất xa lãnh thổ và phối hợp với nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đã cử 100 cán bộ, chiến sỹ cùng hàng chục tấn vật chất hậu cần và tới thẳng những vùng bị thiệt hại nặng nề nhất như Adiyaman và Hatay. Trong đó có một sỹ quan trẻ chỉ 2 tuần nữa là xây dựng gia đình, nhưng vẫn xung phong quyết tâm thực hiện nhiệm vụ. Với tinh thần trách nhiệm đó, sau khi đóng quân, các cán bộ, chiến sỹ đã thực hiện nhiệm vụ ngay trong đêm và đã phối hợp giải cứu được nhiều nạn nhân. Mặc dù phải đối mặt với nhiều nguy hiểm rình rập, nhưng tất cả đều sẵn sàng làm nhiệm vụ trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, dù còn nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ Việt Nam đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, mỗi nước 100.000 USD để góp phần khắc phục hậu quả của trận động đất. Cùng với việc cử lực lượng cứu nạn, cứu hộ tới hiện trường động đất, đây không chỉ là nghĩa cử, trách nhiệm mà còn cho thấy truyền thống tốt đẹp "thương người như thể thương thân" của dân tộc Việt Nam. Giữa cái lạnh thấu xương nơi hoang tàn đổ nát, Việt Nam cùng với các lực lượng đến từ nhiều quốc gia khác tham gia khắc phục hậu quả động đất, mang tới tình người ấm áp, tinh thần tương thân tương ái, thắp lên ngọn lửa của yêu thương, chia sẻ.