Lũ lụt, hạn hán, cháy rừng và nhiệt độ cực cao "càn quét" toàn cầu đang dẫn đến những tác động mà các nhà khoa học đã cảnh báo trong nhiều thập kỷ, trong khi dường như các nước vẫn chưa sẵn sàng ứng phó.
Từ một quỹ thảm họa liên bang gần như cạn kiệt cho đến các thị trường bảo hiểm đang bị áp lực trước nhiều thảm họa, thời tiết khắc nghiệt đang thử thách khả năng của ngay cả một quốc gia giàu có như Mỹ trong việc chống chọi với sự nóng lên nhanh hơn so với dự báo của nhiều nhà khoa học. Những cơn mưa xối xả gây lũ lụt ở các bang phía Đông Bắc như Vermont, hay dòng sông Colorado đang cạn kiệt đã gây ra một cuộc tranh cãi giữa nhiều bang về việc phân chia nguồn nước, trong khi nhiệt độ cao kỷ lục làm dấy lên mối lo ngại về sự ổn định của lưới điện và khói do cháy rừng ở Canada đã nhiều lần phủ kín Washington DC và các khu vực khác của Mỹ trong những tuần gần đây.
Phía trước vẫn còn là giai đoạn cao điểm của mùa bão Đại Tây Dương từ tháng 8 đến tháng 9, vào thời điểm mà nhiệt độ đại dương - một nguồn cơn gây ra các cơn bão - đã ở mức mà các nhà khoa học châu Âu gọi là "nằm ngoài bảng xếp hạng".
Các nhà khoa học cho biết thậm chí còn có những mối đe dọa tồi tệ hơn đối với cuộc sống, tài sản và thiên nhiên. Michael Oppenheimer, một nhà khoa học về khí hậu tại Đại học Princeton cho biết: “Nếu bạn không thích những gì bạn đang thấy ngày hôm nay, hãy kiên trì - tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn rồi mới khá hơn được".
Các phản ứng của chính quyền Mỹ đối với vấn đề trên bao gồm gói khí hậu trị giá 369 tỷ USD được ban hành vào năm ngoái nhằm tìm cách giảm ô nhiễm khí hậu ở Mỹ, mặc dù nhiệm vụ đó sẽ mất hàng thập kỷ. Ngoài ra, Mỹ cũng có hơn 50 tỷ USD để đối phó và hạn chế thiệt hại do thảm họa khí hậu.
Không rõ liệu những biện pháp đó có mang lại kết quả đủ nhanh để tránh điều tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu hoặc chịu được những tác động ngày càng tăng hay không. Và ngay cả chương trình nghị sự đó cũng phải đối mặt với các phản ứng chính trị từ các đảng viên Cộng hòa. Họ đã không đưa ra một chiến lược khí hậu thống nhất nhưng có kế hoạch biến việc bãi bỏ luật khí hậu mà Tổng thống Joe Biden đã ký trở thành một phần quan trọng trong thông điệp tranh cử năm 2024. Tuy nhiên, ông Biden đã tuyên bố sẽ bảo vệ luật này khi các dấu hiệu về khí hậu ngày càng lớn hơn.
“Chúng ta không có nhiều thời gian”, Tổng thống Biden nói trong tuần trước tại Vilnius (Litva), gọi biến đổi khí hậu là “mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại”.
Trong khi đó, những vấn đề về khí hậu liên tục đáng báo động. Tuần trước đã chứng kiến nhiệt độ toàn cầu nóng nhất trong 143 năm, có thể đánh dấu việc Trái Đất phá kỷ lục không chính thức về ngày nóng nhất trong 120.000 năm qua.
Một số chuyên gia cho biết, điều đó đã khiến hành tinh này có khả năng lập kỷ lục nhiệt độ mới trong năm, vượt qua mức đỉnh trước đó chỉ mới 7 năm. Nó cũng gây nguy hiểm cho những hy vọng mong manh trong việc đáp ứng các mục tiêu về khí hậu mà Mỹ và hơn 190 quốc gia khác đã đồng ý theo thỏa thuận khí hậu Paris 2015.
Nhóm nghiên cứu khí hậu Berkeley Earth cho biết vào tuần trước, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 6 cao hơn 1,47 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, chỉ thấp hơn một chút so với mục tiêu trong thỏa thuận khí hậu Paris nhằm hạn chế tình trạng nóng lên ở mức 1,5 độ C. Các nhà khoa học cho biết, việc không duy trì được mục tiêu đó sẽ dẫn đến sự hủy diệt đối với nhiều quốc đảo nhỏ gặp rủi ro do mực nước biển dâng cao.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết có 66% khả năng mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu hàng năm sẽ vượt quá 1,5 độ C ít nhất một lần từ nay đến năm 2027.
Thế giới đã chứng kiến Trái Đất nóng lên 1,2 độ C kể từ giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp.
Các thảm họa khí hậu đang diễn ra hiện nay phần lớn đúng như dự đoán: nhiệt độ tăng, lốc xoáy mạnh hơn, hạn hán khắc nghiệt hơn, cháy rừng dai dẳng. Nhưng tốc độ diễn ra của chúng đã khiến một số chuyên gia "choáng váng".
Kathy Jacobs, một nhà khoa học khí hậu của Đại học Arizona, nói: “Sự khởi đầu diễn ra nhanh như thế nào và tốc độ mà những tác động này đang gia tăng. Tôi nghĩ ngay cả những nhà khoa học khí hậu kinh nghiệm nhất cũng ngạc nhiên về điều đó”.
Không giảm nhiệt
Đợt nắng nóng, vốn khiến nhiệt độ ở Phoenix lên tới 43 độ C, dự kiến sẽ kéo dài ở nhiều nơi ở Mỹ cho đến tuần tới. Đỉnh điểm ghi nhận được vào ngày 6/7, đánh dấu những ngày nóng nhất thế giới. Với một chu kỳ thời tiết El Niño dự kiến sẽ khiến những vùng nước ấm hơn mức trung bình ở Thái Bình Dương, bên cạnh hàng thập kỷ tích tụ tình trạng nóng lên toàn cầu, có khả năng năm nay sẽ được xếp hạng là năm nóng nhất mọi thời đại.
Morgan Zabow, một quan chức của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), cho biết ngày càng có nhiều quan chức công nhận rằng các đợt nắng nóng đang trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn, gây ra các mối đe dọa nguy hiểm cho sức khỏe con người. Theo Heat.gov, tính đến ngày 14/7, gần 114 triệu người Mỹ đã bị sốc nhiệt.
Bà Zabow lưu ý rằng nhiệt độ nóng là "kẻ giết người" liên quan đến thời tiết hàng đầu ở Mỹ. Đó là sự thật trên toàn cầu. Các nhà nghiên cứu đã kết luận trong một nghiên cứu được công bố đầu tuần trước rằng đợt nắng nóng mùa hè năm ngoái ở châu Âu đã khiến 61.000 người thiệt mạng. Nhiều người trong số đó ở miền Nam châu Âu, nơi mà WMO cho biết đang trong tình trạng hạn hán.
Trong khi đó, lũ lụt đã tấn công nhiều khu vực của Mỹ, nơi lượng mưa xối xả làm ngập phần lớn vùng Đông Bắc vào cuối tuần trước, làm hàng trăm ngôi nhà bị ngập và khiến 1 người thiệt mạng.
Một mối nguy hiểm khác từ một hành tinh đang nóng lên là khói từ các đám cháy rừng, giống như những đám cháy ở Canada đã thiêu rụi hàng triệu hecta rừng trong năm nay. Khói, gây ra các bệnh liên quan đến tim và phổi, đã hoành hành khắp vùng Trung Tây và Bờ Đông nước Mỹ trong suốt mùa hè.
Ông Jacobs cho biết: "Hầu hết mọi người đều nghĩ biến đổi khí hậu gây những tác động gia tăng có thể kiểm soát được. Nhưng nó không bao giờ là một hiệu ứng gia tăng nhỏ. Đó là tác động tổng hợp của nắng nóng và hạn hán, hoặc cháy rừng, chất lượng không khí và sức khỏe”.
Những mối nguy hiểm khác diễn ra chậm hơn. Michael Sparrow, Giám đốc bộ phận nghiên cứu khí hậu tại WMO cho biết, nhiệt độ đại dương tăng lên cùng với El Niño có nguy cơ giết chết các loài thủy sinh và làm suy giảm nghề cá, làm cạn kiệt nguồn cung cấp thực phẩm.
Biến đổi khí hậu cũng đã gây thiệt hại đáng kinh ngạc cho nền kinh tế. Chẳng hạn, nắng nóng đã khiến Mỹ thiệt hại hơn 100 tỷ USD do năng suất lao động bị mất hàng năm. Các sở y tế địa phương thì bị quá tải, làm tăng thêm chi phí.
AR Siders, Phó Giáo sư tại Đại học Delaware, kết luận: “Tôi nghĩ rằng nói chung ở Mỹ, chúng ta chưa sẵn sàng đối phó với những tác động của biến đổi khí hậu. Chúng ta đang làm quá nhiều trong chế độ phản ứng thay vị chế độ chuẩn bị”.