Trên đây là kết luận của nhóm các nhà khoa học quốc tế World Weather Attribution chuyên nghiên cứu về vai trò của biến đổi khí hậu gắn với các hình thái thời tiết cực đoan.
Vụ lở đất ngày 30/7 ở khu vực Wayanad của bang ven biển Kerala là thảm họa tồi tệ nhất kể từ năm 2018, khi lũ lụt cướp đi sinh mạng của trên 400 người tại đây. Các chuyên gia của World Weather Attribution ước tính lượng mưa trong một ngày ở Wayanad đã tăng 10% do tình trạng biến đổi khí hậu và đây là nguyên nhân gây thiệt hại lớn về người. Bang Kerala đã ghi nhận lượng mưa lên tới 572 mm trong 48 giờ trước khi xảy ra thảm họa lở đất, cao hơn gấp đôi so với mức dự báo 204 mm.
Nghiên cứu nhấn mạnh sự gia tăng lượng mưa do tình trạng biến đổi khí hậu mà nghiên cứu đề cập tới tiềm ẩn nguy cơ làm tăng số vụ lở đất trong tương lai. Nghiên cứu chỉ ra lượng mưa đột biến trong một ngày ở Kerala sẽ tăng thêm 4% nếu thế giới không chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch và nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Các chuyên gia đã đề xuất một số biện pháp để giảm thiểu nguy cơ sạt lở đất trong tương lai khi mưa lớn xảy ra như ngăn chặn nạn phá rừng và khai thác đá trái phép, gia cố các sườn đồi, dốc và xây dựng các công trình kiên cố để bảo vệ những khu vực dễ bị tổn thương. Các cơ quan chức năng cần có đánh giá nghiêm ngặt hơn về nguy cơ lở đất và tăng cường hệ thống cảnh báo sớm để đảm bảo công tác sơ tán người dân kịp thời.
Ngoài nguyên nhân lượng mưa tăng bất thường, phát triển quá mức và khai thác du lịch không kiểm soát ở bang Kerela cũng là những yếu tố góp phần dẫn đến thảm họa này.