Cụ thể, thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 12/2022 tăng 10,5% lên 67,4 tỷ USD. Trước đó, thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 11/2022 giảm 21,1% xuống còn 61,0 tỷ USD. Khi tính đến lạm phát, thâm hụt thương mại thực tế của Mỹ trong tháng 12/2022 là 98,6 tỷ USD, tăng từ 96,1 tỷ USD trong tháng 11/2022.
Tính theo năm, thâm hụt thương mại năm 2022 của Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục 948,1 tỷ USD (tương đương 3,7% GDP), cao hơn mức 845,0 tỷ USD (3,6% GDP) năm 2021. Trong đó, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Canada tăng 31,6 tỷ USD lên 81,6 tỷ USD năm 2022, trong khi thâm hụt thương mại hàng hóa với Trung Quốc tăng 29,4 tỷ USD lên 2,9 tỷ USD.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, mặc dù kim ngạch xuất khẩu của nước này trong năm 2022 tăng 453,1 tỷ USD lên 3.000 tỷ USD, nhưng kim ngạch nhập khẩu cũng tăng 556,1 tỷ USD lên 4.000 tỷ USD. Trong tháng 12/2022, kim ngạch nhập khẩu của Mỹ tăng 1,3% lên 317,6 tỷ USD, trong đó nhập khẩu hàng hóa tăng 1,8% lên 258,8 tỷ USD. Mức tăng này là do nhập khẩu hàng tiêu dùng tăng 4,1 tỷ USD, trong đó có sự gia tăng nhập khẩu điện thoại di động khi nguồn cung từ Trung Quốc dồi dào hơn sau khi nước này nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch COVID-19. Nhập khẩu các mặt hàng gia dụng khác cũng tăng, trong đó có ô tô, phụ tùng và động cơ... , song nhập khẩu vật tư và nguyên liệu công nghiệp, bao gồm dầu thô, giảm 2,7 tỷ USD xuống còn 59,6 tỷ USD - mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 0,9% xuống còn 250,2 tỷ USD. Xuất khẩu hàng hóa giảm 1,7% xuống còn 1,1 tỷ USD - mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2021, chủ yếu do giá dầu thô giảm. Xuất khẩu vật tư và nguyên liệu công nghiệp giảm 3,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu dầu thô giảm 0,8 tỷ USD. Xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu khác cũng giảm.
Các nhà kinh tế cho biết sự sụt giảm cả nhập khẩu và xuất khẩu vật tư và nguyên liệu công nghiệp cho thấy sự yếu kém trong hoạt động sản xuất ở Mỹ. Chính sách tăng lãi suất của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhằm kiềm chế lạm phát và sự chuyển hướng chi tiêu từ hàng hóa sang dịch vụ của người tiêu dùng cũng khiến sản xuất bị cắt giảm. Ngoài ra, đồng USD tăng giá so với đồng tiền của các đối tác thương mại chính của Mỹ đã khiến hàng hóa do nước này sản xuất trở nên đắt đỏ trên thị trường quốc tế. Chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn của các ngân hàng trung ương toàn cầu cũng làm xói mòn nhu cầu ở nước ngoài đối với hàng hóa Mỹ.