Số liệu cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ đã giảm xuống 58,3 tỷ USD, giảm gần 10% so với mức đã được điều chỉnh 64,7 tỷ USD trong tháng 7. Trong đó, xuất khẩu tăng 4,1 tỷ USD lên 256 tỷ USD trong tháng 8, trong khi nhập khẩu giảm 2,3 tỷ USD xuống 314,3 tỷ USD.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, phần lớn sự gia tăng xuất khẩu đến từ kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, nhất là các nguồn cung công nghiệp như dầu thô. Trong khi đó kim ngạch nhập khẩu hàng hóa giảm do sự sụt giảm trong các mặt hàng tiêu dùng và các sản phẩm như bán dẫn.
Thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc đã giảm 1,3 tỷ USD xuống 22,7 tỷ USD trong tháng 8, khi nhập khẩu từ Trung Quốc giảm nhiều hơn xuất khẩu của Mỹ sang nước này.
Dù chi tiêu tiêu dùng đã giúp thúc đẩy thương mại của Mỹ, nhưng giới phân tích cảnh báo rằng hoạt động chi tiêu có thể suy yếu sau các đợt tăng mạnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm qua nhằm kiềm chế lạm phát và hạ nhiệt nhu cầu.
Chuyên gia Rubeela Farooqi của công ty tư vấn nghiên cứu kinh tế High Frequency Economics cho biết xuất khẩu đang tăng còn nhập khẩu đang giảm, cho thấy nhu cầu trong nước đang yếu đi phần nào.
Trong khi đó, Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng nhẹ trong tuần trước, trong khi số người lao động bị sa thải giảm xuống trong tháng 9, cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn thắt chặt vào cuối quý III.
Số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng 2.000 đơn lên 207.000 đơn (đã được điều chỉnh theo mùa) trong tuần kết thúc vào ngày 30/9.
Dù vẫn thắt chặt nhưng thị trường lao động đang dần hạ nhiệt. Số liệu chính phủ mới đây cho thấy cứ một người thất nghiệp thì có 1,51 vị trí việc làm đang tuyển dụng trong tháng 8, và số việc làm còn trống đã ghi nhận mức tăng cao nhất trong hai năm qua.
Bà Farooqi cảnh báo tăng trưởng có thể giảm tốc trong năm nay nếu thị trường việc làm hạ nhiệt rõ ràng hơn, từ đó làm giảm nhu cầu hàng hóa và dịch vụ.
Cùng lúc đó, trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu đang suy yếu, trong đó có nhiều đối tác thương mại lớn của Mỹ sau chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, xuất khẩu của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng có thể bị ảnh hưởng.