Theo đài RT (Nga), trong dự án Seabreeze, Apple và UCLA đang xem xét liệu thuật toán của họ có thể phát hiện dấu hiệu căng thẳng, lo âu, trầm cảm ở người dùng iPhone hay không thông qua sử dụng cảm biến để thu thập dữ liệu. Còn trong dự án Pi, Apple cùng với Biogen nghiên cứu tình trạng suy giảm nhận thức nhẹ ở người dùng iPhone.
Cả hai dự án này tiếp cận chẩn đoán y khoa tương đối khác so với các tính năng trước đây của Apple.
Dự án Seabreeze với UCLA bắt đầu từ mùa thu năm 2020 với 150 người, được theo dõi dữ liệu từ điện thoại iPhone và đồng hồ Apple Watch. Dự án dự kiến mở rộng ra với 3.000 người trong năm nay. Dự án này thu thập dữ liệu từ camera điện thoại, bàn phím, cảm biến âm thanh cũng như thông tin từ đồng hồ Apple liên quan chuyển động, giấc ngủ và các sinh hiệu.
Dự án cũng phân tích biểu hiện khuôn mặt, giọng nói, dáng đi, giấc ngủ, tốc độ soạn tin nhắn, độ chính xác và nội dung tin nhắn.
Cùng với lượng dữ liệu khổng lồ đó, dự án còn có một loạt bộ câu hỏi về tâm trạng, phân tích lượng hoócmôn căng thẳng cortisol trong tóc của người dùng.
Kết hợp các dấu hiệu nói trên và tình trạng tâm lý liên quan có thể tạo ra một ứng dụng cảnh báo người dùng nếu họ có nguy cơ mắc bệnh tâm thần.
Trong khi đó, dự án Pi của công ty Biogen vừa khởi động ngày 20/3, sẽ kéo dài hai năm. Theo đó, dự án sẽ theo dõi 20.000 người tham gia mà một nửa trong số đó có nguy cơ suy giảm nhận thức. Dự án Pi sử dụng dữ liệu tương tự dự án Seabreeze.
Dự án Pi dựa trên một nghiên cứu có quy mô nhỏ hơn nhiều mà trong đó, các nhà nghiên cứu phát hiện ra 31 người mắc suy giảm nhận thức có cách sử dụng điện thoại khác hẳn so với người bình thường.
Cả hai nghiên cứu Seabreeze và Pi đều nhằm để phát triển các ứng dụng độc đáo cho điện thoại iPhone. Đây là một bước chuyển với Apple – công ty trước đây chỉ tập trung phần lớn các ứng dụng liên quan sinh trắc ở đồng hồ thông minh. Ví dụ, họ từng phát triển ứng dụng phát hiện rung nhĩ (một dạng rối loạn nhịp tim) năm 2018 khi phối hợp với Đại học Stanford.
Mặc dù tập trung vào đồng hồ thông minh là bước đi hợp lý vì thiết bị này áp sát vào da người, nhưng điều đó có nghĩa là Apple đã bỏ phí nhiều dữ liệu thu thập từ những người dùng iPhone mà không dùng Apple Watch.
Trong khi hai dự án nói trên mới chỉ ở giai đoạn đầu và có thể không bao giờ cho ra đời một ứng dụng mới, nhưng có một mối liên hệ mạnh giữa cách sử dụng điện thoại thông minh và sức khỏe tâm thần. Nghiện điện thoại là một vấn đề có thật, đặc biệt là dễ gây chú ý ở thanh thiếu niên, những người lớn lên trong thời đại có sẵn iPhone và iPad. Tuy nhiên, kể cả những người không nghiện điện thoại, tâm lý sợ lạc hậu, bỏ lỡ thông tin đã khiến mọi người liên tục dán mắt vào điện thoại khi mà lẽ ra họ cần ngủ, làm việc, lái xe hay làm việc gì đó.
Nghiện điện thoại là cảm giác muốn sử dụng điện thoại kể cả trong bối cảnh nguy hiểm và bị cấm, không hứng thú với các hoạt động khác, tức giận và bất an khi bị tách khỏi điện thoại, lo lắng khi không thể gửi hay nhận tin nhắn tức thì.
Do nhiều triệu chứng trên có liên quan tới trầm cảm và lo âu nên hiện chưa rõ Apple và các đối tác nghiên cứu sẽ xử lý vấn đề gì trước: điện thoại thông minh hay bệnh tâm thần gắn liền với thiết bị này.
Một số người cho rằng chẩn đoán bệnh tâm thần bằng điện thoại thông minh là vô trách nhiệm nhưng không phải ai mắc bệnh này cũng có thể tiếp cận chuyên gia, kể cả ở Mỹ - nơi mà bảo hiểm sức khỏe không chi trả cho các lần thăm khám với đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Các nhân viên Apple hy vọng nếu có ứng dụng nào từ hai nghiên cứu trên, họ hy vọng ứng dụng ít nhất có thể hỗ trợ những người không thể tiếp cận chuyên gia. Dù vậy, vẫn còn vấn đề kỳ thị với bệnh tâm thần. Để người dùng tin tưởng trao dữ liệu sức khỏe tâm thần, Apple cần phải xây dựng lại niềm tin sau khi đã xảy ra nhiều vụ bê bối năm nay.