Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong một sự kiện ở thủ đô Paris ngày 26/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đắc cử Tổng thống Pháp vào tháng 5/2017 nhờ vào một chương trình tranh cử mang tính cải cách, ông Macron đã có bài phát biểu “ủng hộ” đầy mạnh mẽ đối với châu Âu, bằng cách tìm ra cách thức phục hồi cỗ máy châu Âu, mà theo ông đang thiếu tầm nhìn dài hạn từ nhiều năm nay, lún sâu vào tệ quan liêu, chồng chéo quy định và các quyết định phải dựa theo theo đa số.
Theo Tổng thống Mcron, “châu Âu quá yếu, quá chậm chạp và quá thiếu hiệu quả”. Ông cho rằng bài phát biểu này không nhằm “cung cấp các công cụ”, mà nhằm đưa ra cho EU “một tham vọng mới”.
Ở khía cạnh kinh tế, vị Tổng thống 39 tuổi của nước Pháp mong muốn thành lập một cơ quan chuyên trách về đổi mới, có khả năng cung cấp tài chính chung cho các lĩnh vực nghiên cứu mới, như trí tuệ nhân tạo.
Ông cũng nhắc đến mô hình cơ quan nghiên cứu quân sự của Mỹ DARPA, trực thuộc Bộ Quốc phòng, chịu trách nhiệm nghiên cứu và phát triển những công nghệ mới. Vào những năm 1970, DARPA chính là nơi khởi nguồn của việc ra đời mạng internet.
Để hạn chế bán phá giá tại châu Âu, ông Macron muốn từ nay đến năm 2020 thành lập một cơ quan chung chuyên trách về thuế doanh nghiệp và “một mức lương tối thiểu, phù hợp với thực tế kinh tế của mỗi nước”.
Trong bài phát biểu được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đánh giá là “rất châu Âu”, Tổng thống Macron vẫn còn khá mơ hồ đối với đề xuất của mình về một “ngân sách mạnh dành cho Khu vực đồng tiền chung châu Âu”, theo đó sẽ “cho phép cấp vốn cho các khoản đầu tư chung, cùng với các khoản thuế liên quan đến ngân sách này”.
Về chính sách nông nghiệp chung, ông Macron cho rằng “Châu Âu của 28 quốc gia thành viên không thể hoạt động như châu Âu của 6 quốc gia. Đối với 28 quốc gia, chúng ta cần một châu Âu đơn giản hơn, ít quan liêu hơn”. Ngoài ra, ông cũng cho rằng nước Anh, vốn đang tiến hành đàm phán với EU về Brexit, sẽ có một vị trí tại một châu Âu được “hồi sinh” trong vài năm tới.
Vị cựu Bộ trưởng Kinh tế dưới thời Tổng thống Francois Hollande cũng bày tỏ mong muốn thành lập ở cấp độ châu Âu một loại thuế đánh vào các giao dịch tài chính, điều này sẽ tác động toàn bộ đến trợ giúp pháp triển.
Đứng trước rất đông sinh viên Pháp và nước ngoài, vị nguyên thủ Pháp đã đề xuất thành lập các trường Đại học châu Âu với “những bằng cấp châu Âu thật sự”. Ông cũng mong muốn ấn định ở cấp độ châu Âu một giá cả hợp lý từ ít nhất 25 đến 30 euro/tấn khí thải các-bon, mà trong đó trao đổi khí thải các-bon cho phép phạt các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, một mức độ đủ lớn để khuyến khích sự chuyển đổi sang công nghệ xanh.
Ông Macron cũng đề xuất thành lập ngay tại biên giới châu Âu một loại thuế carbon đánh vào các mặt hàng nhập khẩu từ các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các nhà sản xuất châu Âu và các đối thủ cạnh tranh.
Tuy nhiên, dư luận Đức lại có phản ứng trái chiều với bài phát biểu của Tổng thống Pháp. Ông Hans Michelbach - một nghị sĩ thuộc Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) đồng minh với Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel, cảnh báo rằng những đề xuất này có thể biến EU thành một liên minh "chuyển đổi không có giới hạn".
Theo ông Michelbach, sáng kiến của ông Macron là không thích hợp để đưa châu Âu tiến lên, mà thậm chí chỉ làm cho châu Âu thêm chia rẽ. Ông cáo buộc người đứng đầu Điện Elysee đang phá vỡ Hiệp ước tăng trưởng và ổn định của EU. Theo ông, sau những sai lầm rút ra từ cuộc khủng hoảng khu vực Eurozone, ông Macron không nên lấy bài học làm giảm thâm hụt ngân sách của Pháp áp dụng với các quy định tài chính EU.
Một thành viên cấp cao của đảng Dân chủ Tự do FDP, một đối tác có thể liên minh với đảng của Thủ tướng Merkel, ông Alexander Graf Lambsdorff mặc dù hoan nghênh lời kêu gọi của ông Macron tăng cường hợp tác quân đội trong EU và nắm bắt nhiều cơ hội cho công nghệ số hóa, song ông bác bỏ lời kêu gọi thành lập một ngân sách chung cho Eurozone. Theo ông Lambsdorff, vấn đề là châu Âu không thiếu những quỹ công, mà thiếu một kế hoạch cải cách.
Trong khi đó, Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm Sigmar Gabriel, một thành viên thuộc của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) về thứ hai trong cuộc bầu cử tại Đức vừa qua, ca ngợi bài phát biểu của ông Macron, cho rằng ông Macron đã đưa ra đề xuất dũng cảm, mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa dân tộc đang nổi lên và một châu Âu ông Macron muốn là được cải cách, thúc đẩy và đoàn kết với sự giúp đỡ của Đức.
Dự kiến, bên cạnh lộ trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), các đề xuất của ông Macron sẽ có thể là những vấn đễ được ưu tiên thảo luận trong Hội nghị Thượng đỉnh EU sẽ diễn ra trong hai ngày (28-29/9) tại Estonia.