Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu giảm 20,7%, xuống 135,24 tỷ USD, trong khi nhập khẩu giảm 5,2%, xuống 131,12 tỷ USD.
Tuy nhiên, nếu không tính đến yếu tố lễ hội mùa Xuân (tết cổ truyền của Trung Quốc), kim ngạch trao đổi thương mại của nước này trong tháng 2 vừa qua tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu tăng 1,5% và nhập khẩu tăng 6,5%.
Trong 2 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc đạt 622,72 tỷ USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu giảm 4,6%, xuống 353,21 tỷ USD, trong khi nhập khẩu giảm 3,1%, xuống 309,51 tỷ USD. Thặng dư thương mại ở mức 43,7 tỷ USD, giảm 13,6% so với một năm trước đó.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ cũng giảm 9,9%, trong khi nhập khẩu giảm 32,2% trong 2 tháng đầu năm nay. Trung Quốc đã giảm thặng dư thương mại của nước này với Mỹ khi con số này trong tháng 2 vừa qua đã giảm xuống 14,7 tỷ USD từ mức 27,3 tỷ USD trong tháng 1.
Số liệu kinh tế gần đây của Trung Quốc cho thấy những khó khăn mà nước này phải đối mặt khi tăng trưởng trong 3 tháng cuối năm 2018 ở mức 6,4%.
Hôm 5/3 vừa qua, Trung Quốc đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6-6,5% trong năm nay, so với mức 6,6% của năm 2018. Chính phủ Trung Quốc cũng lên kế hoạch cắt giảm thuế lớn, giảm chi phí và nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Ông Raymond Yeung thuộc ngân hàng ANZ cho rằng những số liệu thương mại nói trên của Trung Quốc càng củng cố quan điểm của giới chuyên gia rằng thời kỳ suy thoái thương mại Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện.
Theo ông Yeung, có ít lý do để giới phân tích hy vọng về một sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới và điều này dự báo sẽ gây ảnh hưởng đến tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 1/2019 của Trung Quốc.Tuy nhiên, giới chuyên gia lại thận trọng cho rằng khó có thể đánh giá kinh tế Trung Quốc vào đầu năm vì kỳ nghỉ Tết nguyên đán Trung Quốc rơi vào đầu tháng 2 vừa qua và có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.