Trực thăng không quân Nga tại căn cứ Heymim ở thị trấn Latakia, Syria ngày 6/10. Ảnh: Reuters/TTXVN |
Trước đó, đại diện Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết cường độ bay của các máy bay Nga ở Syria đã gia tăng đáng kể. Theo Tướng Konashenkov, trong những ngày qua, các máy bay Su-34, Su-24M và Su-25SM của Không quân Nga đã hoàn thành 88 phi vụ tấn công vào 86 cứ điểm, cơ sở hạ tầng của quân khủng bố ở các tỉnh Raqqa, Hama, Idlib, Latakia và Aleppo của Syria.
Đánh giá về thông tin trên, ông Majumdar cho rằng "nếu tần suất các chuyến bay là chính xác, đây là thành tích cực kỳ ấn tượng. Điều đó đặt lực lượng Không gian Vũ trụ của Nga sánh ngang với các lực lượng Không quân Mỹ và Hải quân Mỹ về cường độ sử dụng máy bay".
Theo chuyên gia này, những chỉ số trên cho thấy các lực lượng quân sự Nga "đã được khôi phục lại sau sự suy sụp gần như hoàn toàn vào giữa những năm 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ."
Ở giai đoạn đầu triển khai chiến dịch không kích ở Syria, các sĩ quan quân đội Mỹ, những người lạc quan nhất, dự đoán rằng máy bay Nga có thể thực hiện tới 96 phi vụ chiến đấu mỗi ngày, trong khi hầu hết giới tướng lĩnh Không quân Mỹ đều dự báo chỉ vào khoảng 20-24 chuyến bay/ngày.
* Italy: Liên minh chống IS không thể thiếu NgaNgày 15/10, Bộ trưởng Quốc phòng Italy, bà Roberta Pinotti tuyên bố liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng phải có sự tham gia của Nga.
Phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh phát thanh Radio 24, bà Pinotti cho rằng "cuộc khủng hoảng ở Syria sẽ không thể giải quyết được, nếu như Phương Tây không đối thoại với Nga để cùng tìm cách giải quyết. Một liên minh chống IS không thể thiếu Nga". Theo bà, việc Mỹ và Nga cùng hợp tác trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan là "có thể hình dung được".
Máy bay chiến đấu của Nga ném bom vào mục tiêu của IS tại Syria. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Pinotti cũng cho biết thêm Chính phủ Italy hiện chưa đưa ra quyết định về việc điều động 4 máy bay chiến đấu Tornado tham gia các cuộc oanh kích nhằm vào các căn cứ của IS ở miền Bắc Iraq. Vào đầu tháng 10, dư luận Italy đã xôn xao sau khi nhật báo "Corriere della Sera" tiết lộ rằng, trước sức ép của Mỹ, Italy đã đồng ý điều máy bay chiến đấu tới tham chiến ở Iraq vào tháng 11 năm nay. Hiện tại, Italy mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd ở Iraq trong cuộc chiến chống IS, trong khi máy bay của Italy chỉ làm nhiệm vụ tuần tra tại khu vực này.
Lâu nay, Italy luôn thể hiện lập trường ủng hộ trực tiếp hoặc gián tiếp đối với Moskva trong các vấn đề của châu Âu và Trung Đông. Trước đó, Thủ tướng Italy Matteo Renzi cũng đã nhắc đến vai trò của Nga trong việc giải quyết vấn đề IS. Hôm 14/10, trong bài phát biểu trước Hạ viện Italy, ông Renzi cho rằng những ai loại trừ sự can dự của Nga trong vấn đề Syria nói chung và chiến đấu chống lại IS nói riêng "đều đã mắc sai lầm".
* Pháp: Sự can thiệp của Nga không cứu được Tổng thống AssadCùng ngày, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố sự can thiệp quân sự của Nga ở Syria sẽ không cứu được Tổng thống Bashar al-Assad sau khi EU đã kêu gọi có một cuộc chuyển tiếp chính trị sang một nhà lãnh đạo mới ở Syria.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ), ông Hollande nói: “Từ quan điểm này, sự can thiệp của Nga có thể giúp đỡ cho chính quyền Syria nhưng sẽ không cứu được ông Bashar al-Assad”.
Trong một diễn biến có liên quan, một quan chức Mỹ cho biết Washington sẵn sàng thả vũ khí cho lực lượng nổi dậy ở Syria.
Theo quan chức yêu cầu giấu tên trên, Lầu Năm Góc sẵn sàng tăng cường việc cung cấp vũ khí, đạn dược cho lực lượng nổi dậy ở Syria khi lực lượng này có thể chứng minh rằng họ sử dụng hiệu quả trong cuộc chiến chống IS.