Trong thông báo của mình, Gavi cho biết các nước có thu nhập thấp và dưới trung bình sẽ được tiếp cận miễn phí kho vaccine nói trên, cũng như được hỗ trợ chi phí triển khai chương trình tiêm chủng. Kho dự trữ này sẽ bao gồm các liều vaccine được cấp phép do Tập đoàn dược phẩm đa quốc gia Merck (Mỹ) sản xuất, vốn đã được WHO kiểm nghiệm, cũng như được giới chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn. Các liều vaccine này sẽ được bảo quản tại thành phố Basel, Thụy Sĩ.
Việc bàn giao vaccine sẽ được Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ với khoản ngân sách 20 triệu USD. Người phát ngôn của Gavi cho biết sẽ cần "một vài năm" để kho vaccine đạt số lượng mục tiêu 500.000 liều và sẽ được bổ sung theo thời gian. Ngoài vaccine của Merck, các loại vaccine tiềm năng khác ngừa bệnh do virus Ebola có thể sẽ được đưa vào kho dự trữ, sau khi vượt qua đánh giá của WHO.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Gavi Seth Berkley nhấn mạnh "bằng cách thành lập kho dự trữ vaccine này dành cho tất cả các nước trên thế giới, chúng ta có thể góp phần ngăn chặn những thiệt hại về người và nhanh chóng đẩy lùi các đợt bùng phát dịch bệnh do virus Ebola gây ra trong tương lai". Theo ông, việc đẩy nhanh quá trình sản xuất vaccine, bao gồm các thỏa thuận giữa Gavi và nhà sản xuất, đã "tạo ra tiền đề cho việc phát triển công nghệ truy vết nhanh và sản xuất vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19".
Việc phát triển vaccine ngừa bệnh do virus Ebola đã được đẩy mạnh từ sau đợt bùng phát tồi tệ nhất hồi tháng 12/2013 tại Guinea và lây lan sang các nước láng giềng tại khu vực Tây Phi là Liberia và Sierra Leone. Theo WHO, đợt bùng phát đã khiến hơn 11.300 người tử vong trong số gần 29.000 ca nhiễm, trước khi tổ chức này công bố hết dịch vào tháng 3/2016. Tháng 6 năm ngoái, hơn 300.000 người đã được tiêm vaccine trong đợt bùng phát dịch Ebola tại hai tỉnh Bắc Kivu và Ituri thuộc CHDC Congo, qua đó giúp quốc gia này tuyên bố chấm dứt dịch Ebola ở miền Đông nước này kéo dài trong suốt 2 năm. Tuy nhiên, một đợt bùng phát dịch mới cũng trong tháng này đã được ghi nhận và kéo dài trong gần 6 tháng tại tỉnh Equateur đã khiến 130 người mắc bệnh và 55 người tử vong. Trong đợt bùng phát này, hơn 40.000 người đã được tiêm chủng vaccine phòng bệnh, giúp nước này tuyên bố hết dịch vào tháng 11/2020.
Trong thời gian từ năm 2014 đến 2016, virus Ebola đã lây lan tại nhiều vùng ở Tây Phi, làm hơn 11.000 tử vong. Các triệu chứng của bệnh bao gồm sốt cao, đau nhức cơ kèm theo nôn và tiêu chảy, phát ban, suy gan, thận, xuất huyết cả bên trong và ngoài. WHO cho biết tỷ lệ tử vong trung bình ở người mắc virus Ebola là khoảng 50%, nhưng tỷ lệ này có thể lên tới 90% trong các giai đoạn dịch bùng phát.
Gavi là một tổ chức đối tác có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ), được thành lập nhằm hỗ trợ tiêm chủng vaccine cho khoảng 50% trẻ em trên toàn cầu, chống lại một số dịch bệnh nguy hiểm nhất. Bên cạnh WHO, Gavi cũng giúp cung cấp và phân phối vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho khoảng 20% dân số tại mỗi quốc gia, tính đến cuối năm 2021.