Trong số 30 nguyên tố hóa học được liệt kê dùng để chế tạo các thiết bị điện tử, một nửa trong số đó được dự đoán sẽ trở nên khan hiếm vì hạn chế nguồn cung và không đủ khả năng tái chế.
Trước Nghị viện châu Âu (EP) tại Brussels ngày 22/1, tổ chức phi lợi nhuận European Chemical Society (EuChemS) đã trình bày một bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học được cập nhật, nhấn mạnh những nguyên tố dự đoán sẽ cạn kiệt trong vòng 1 thế kỷ.
Giáo sư hóa học về hưu tại Đại học St. Andrews, David Cole-Hamilton, kêu gọi người tiêu dùng hãy tái chế thiết bị điện tử một cách hợp lý khi chỉ tính riêng tại châu Âu có đến khoảng 10 triệu điện thoại thông minh bị vứt đi.
“Toàn bộ mọi thứ trên thế giới này được tạo ra từ 90 nguyên tố hóa học. Tuy nhiên, mỗi nguyên tố chỉ có một lượng nhất định, và con người đang sử dụng một vài nguyên tố nhanh tới mức mà chúng sẽ biến mất trên thế giới chỉ trong vòng chưa đầy 100 năm tới. Rất nhiều nguyên tố hóa học trong bảng này có nguy cơ cạn kiệt, vậy chúng ta thực sự cứ 2 năm phải đổi điện thoại một lần ư?” Giáo sư Cole-Hamilton gióng lên hồi chuông báo động.
Tổ chức EuChemS hối thúc các nhà lập pháp lên tiếng bày tỏ quan ngại và thúc đẩy xu hướng tái chế.
“Trong khi chúng ta đánh dấu mốc kỷ niệm lần thứ 150 bảng tuần hoàn hóa học, thật thú vị khi thấy phiên bản cập nhật thế kỷ 21. Nhưng thật đáng lo ngại khi thấy nhiều nguyên tố hóa học lại bị liệt vào danh sách có nguy cơ cạn kiệt, bao gồm những nguyên tố hóa học được dùng trong ngành sản xuất điện thoại smartphone. Đây là bài học cho mọi người”, Catherine Stihler – nghị sĩ Công đảng vùng Scotland – chia sẻ.
Trò chuyện với Đài Sputnik, người phát ngôn Cục Môi trường châu Âu (EEB) Mauro Anastasio cho biết từ năm 2007, có hơn 7 tỷ smartphone được sản xuất, trong đó hầu hết người tiêu dùng Mỹ trung bình 2 năm lại đổi điện thoại. Tình trạng gia tăng sản xuất gây sức ép đối với các nguồn cung toàn cầu có giới hạn. Một nghiên cứu khoa học gần đây đưa ra số liệu cần đến 70 kg nguyên tố tự nhiên để sản xuất một chiếc điện thoại thông minh. Tiếp đến, phần nguyên tố bị thải ra số lượng lớn lại làm ô nhiễm không khí, đất, nước. Công đoạn sản xuât chịu trách nhiệm cho 3/4 lượng chất thải carbon mà smartphone đào thải.
Ông Anastasio kêu gọi người tiêu dùng tái sử dụng, sửa chữa và tái chế smartphone trước khi môi trường rơi vào "tình trạng không thể quay lại".
Ông Anastasio cho biết thêm Chỉ thị Ecodesign của Liên minh Châu Âu vạch ra các giải pháp đảm bảo rằng các sản phẩm được thiết kế để "dễ dàng sửa chữa và tái chế". Các yêu cầu về hiệu quả tài nguyên đối với các thiết bị điện tử như bóng đèn, màn hình đều được mang ra thảo luận trong cuộc họp tại Brussels tháng 12-1 vừa qua song “smartphone lại không nằm trong danh sách sản phẩm được các nhà hoạch định chính sách bàn bạc”.
Hiện cộng đồng quốc tế đang kỷ niệm Năm quốc tế của Bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học, đánh dấu kỷ niệm 150 năm Bảng tuần hoàn ra đời sau khi được nhà hóa học người Nga Dmitry Mendeleev công bố năm 1869.