Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo phái đoàn đàm phán nước này sẽ gặp gỡ Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cùng với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), thành phần phái đoàn Trung Quốc bao gồm các quan chức Bộ Thương mại, Ngân hàng Trung ương, Bộ Công nghệ Thông tin và Bộ Nông nghiệp, đã phản ánh nội dung nghị sự rộng lớn sẽ được thảo luận tại vòng đàm phán này.
Cụ thể, phái đoàn của Bắc Kinh bao gồm Bộ trưởng Thương mại Zhong Shan, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân (Ngân hàng Trung ương) Trung Quốc Yi Gang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Ning Jizhe, Thứ trưởng Bộ Tài chính Liao Min cùng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Zheng Zeguang.
Ông Wang Zhijun - Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin; ông Han Jun – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và ông Wang Shouwen – Thứ trưởng Bộ Thương mại cũng nằm trong thành phần đoàn đàm phán do ông Lưu Hạc dẫn đầu. Vòng đàm phán thứ 13 diễn ra ngay trước khi Washington áp dụng trừng phạt thuế quan bổ sung đối với các sản phẩm của Trung Quốc vào ngày 15/10.
Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành tổng cộng 12 vòng đàm phán nhằm tháo gỡ căng thẳng thương mại gây thiệt hại cho hai nền kinh tế hàng đầu thế giới và gây quan ngại cho các nhà đầu tư trong hơn 1 năm qua. Giới quan sát dự báo trong vòng đàm phán mới, hai nước có thể đạt được thỏa thuận về nguyên tắc trong nhiều vấn đề tồn đọng, chẳng hạn như việc Trung Quốc mua nông sản của Mỹ, song Bắc Kinh sẽ không chịu nhượng bộ trước những áp lực từ Washington để tiến hành cải cách cơ cấu sâu sắc.
Hôm 7/10, hãng tin Bloomberg nhận định giới chức Trung Quốc đang do dự để theo đuổi một thỏa thuận thương mại rộng lớn. Trong khi đó cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ hy vọng vòng đàm phán tới đây sẽ chấm dứt căng thẳng thương mại giữa hai nước.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang từ tháng 7/2018, hai nước liên tiếp bổ sung các mức thuế áp với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau. Mới nhất là việc chính quyền Tổng thống Mỹ Trump áp thuế 15% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tổng trị giá 125 tỷ USD, gồm loa thông minh, tai nghe bluetooth và nhiều loại giày dép. Về phần mình, Bắc Kinh áp các mức thuế bổ sung 5% và 10% đối với 1.717 mặt hàng của Mỹ. Trung Quốc cũng áp thuế 5% đối với dầu thô của Mỹ.
Tuy nhiên, sau thông báo ngày 11/9 của Tổng thống Trump hoãn thực hiện kế hoạch tăng thuế đối với hàng Trung Quốc nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD cho đến ngày 15/10, lùi hai tuần so với dự kiến, ngày 12/9, Trung Quốc cũng thông báo đang tiến hành tham vấn về khả năng mua nông sản của Mỹ, gồm các loại thịt lợn và đậu nành.
Những động thái của Trung Quốc và Mỹ cho thấy hai bên đang nỗ lực tạo không khí hòa hoãn thúc đẩy cuộc đàm phán hướng tới đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp thương mại đang gây tổn hại cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như đẩy lùi tốc độ tăng trưởng toàn cầu.
Việc Mỹ và Trung Quốc hơn 1 năm qua "ăn miếng trả miếng" trong căng thẳng thương mại không giải quyết được sự mất cân bằng thương mại song phương, thay vào đó, còn làm suy yếu tăng trưởng kinh tế trong nước.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tất cả các nền kinh tế lớn và mới nổi đã bắt đầu giảm tốc và giới quan sát đang lo ngại nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, việc chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại là một bước đi khẩn cấp và quan trọng đối với việc khôi phục thương mại như một động lực tăng trưởng, và tùy thuộc vào cách cuộc chiến đó kết thúc, nó có thể là kết quả có lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc cũng như cho nền kinh tế toàn cầu.