Zsakhiem James, một đội trưởng cảnh sát ở Camden, bang New Jersey - từng được coi là thành phố nguy hiểm nhất nước Mỹ - luôn coi mọi cuộc gặp gỡ với cư dân là cơ hội để xây dựng “tiền tệ xã hội”, nhằm ngăn chặn hoặc giải quyết một tội ác tiềm tàng trong tương lai.
Đó là lý do tại sao trong một chuyến tuần tra trên Phố Federal trong tuần này, ông James đã giảng giải cho hai sĩ quan trẻ tầm quan trọng của việc xây dựng các mối quan hệ cá nhân với người dân một cách chân thành.
“Chúng tôi cố gắng gặp gỡ mọi người lúc không xảy ra khủng hoảng. Đó là một trong những điều giúp chúng tôi xây dựng ‘tiền tệ xã hội’. Chúng tôi thực hiện các ‘khoản tiền gửi’ đó trong cộng đồng, để khi có sự cố xảy ra, chúng tôi có thể ‘rút tiền’ dựa trên niềm tin ở họ”.
Nạn tội phạm ở Camden, thành phố 74.000 dân nằm bên bờ sông Delaware ở phía Đông Philadelphia, đã giảm mạnh kể từ khi chính quyền giải thể lực lượng cảnh sát và xây dựng lại vào năm 2013 với trọng tâm là sự tham gia của cộng đồng dân cư. Các quan chức đã nhanh chóng xác định các cuộc biểu tình tại Camden nhằm phản đối cái chết của công dân da đen George Floyd vừa qua đều diễn ra hoà bình, thậm chí có cả cảnh sát tham gia. Trong khi ở thành phố Philadelphia gần đó, biểu tình đã biến thành bạo loạn, cướp bóc.
Lực lượng cảnh sát Camden đã nhận được những lời khen ngợi từ cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và đang thu hút sự chú ý như là một mô hình kiểu mẫu về cải cách ngành cảnh sát sau cái chết của George Floyd do bị cảnh sát tại thành phố Minneapolis (bang Minnesota) ghì cổ vào ngày 25/5. Ở Minneapolis lúc này, các đề xuất xem xét lại về chính sách bao gồm từ việc cấm ghì cổ cho đến rút bớt ngân sách hoạt động hoặc giải tán ngay sở cảnh sát.
Một số nhà phê bình nói rằng việc giảm tội phạm ở Camden có liên quan nhiều đến việc thuê thêm nhiều cảnh sát, thay vì một cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn, và rằng lực lượng này đã không minh bạch hoàn toàn trong các công bố của mình. Chẳng hạn, một người dân đang kiện cảnh sát Camden sau khi một đoạn video cho thấy anh ta bị một sĩ quan đấm 12 lần trong một vụ bắt giữ.
Tuy nhiên, các số liệu thống kê vẫn chỉ ra những tiến bộ. Cảnh sát đã báo cáo 1.161 vụ tội phạm bạo lực trong năm 2019, giảm 42% kể từ năm 2012, một năm trước khi Hạt Camden thực hiện chính sách cải cách. Các khiếu nại về hành vi quá mức của cảnh sát cũng giảm. Chỉ có 3 trường hợp trong năm 2019, so với 65 vụ vào năm 2014.
So sánh trên toàn nước Mỹ thì từ năm 2012 đến 2018, tỉ lệ tội phạm bạo lực chỉ giảm 2%.
Chính sách sử dụng vũ lực của Sở cảnh sát Hạt Camden nhấn mạnh sự tôn trọng “sự cao quý của tính mạng con người” và các kỹ thuật nhằm giảm căng thẳng. Một chương trình đào tạo mô phỏng được sử dụng để huấn luyện các học viên sẽ kích hoạt cảnh báo dựa trên âm điệu giọng nói của các cảnh sát.
Trong khi đi bộ trên đường Federal, sĩ quan cảnh sát Alexander Baldwin, 28 tuổi, nhớ lại việc “tháo ngòi” cuộc chiến giữa hai người đàn ông vì một phụ nữ chỉ bằng cách cho người gây hấn không gian để “thông hơi một chút”. Sau một năm làm việc tại Camden, Baldwin nói anh ta chưa từng một lần rút súng.
“Chúng tôi chỉ cố gắng đối xử với họ như với mọi người, chứ không phải như tội phạm, và điều đó giúp ích rất nhiều”, Baldwin nói.
Tranh cãi về mô hình kiểu mẫu
Theo phát ngôn viên cảnh sát Hạt Camden, trên hơn 130 cơ quan và giám đốc cảnh sát ở Mỹ đã đến thăm lực lượng cảnh sát ở Camden trong vài năm qua để giao lưu, học hỏi.
Tuy nhiên, Devon Jacob, luật sư đại diện cho Edward Minguela trong vụ kiện cáo buộc cảnh sát Camden vi phạm các quyền dân sự trong vụ bắt giữ vào năm 2018, nói rằng những cú đấm nhằm vào thân chủ của ông là bằng chứng cho thấy cảnh sát Camden không đáng được khen ngợi.
“Camden đã không tự cải tổ chính mình”, luật sư Jacob, người cũng tham gia nhóm pháp lý của gia đình George Floyd, nhận thấy sự tương đồng giữa vụ Miguela với Floyd khi các sĩ quan khác tại hiện trường không can thiệp để ngăn chặn những cú đấm. “Đó không phải là mô hình”, ông Jacob phản bác.
Trong vụ "12 cú đấm", Hạt Camden đã sa thải viên cảnh sát và tìm cách truy tố anh ta. Viên cảnh sát này đã bị truy tố trong một vụ án hình sự liên bang nhưng được tha bổng sau hai phiên tòa vào năm ngoái.
Ông John Pike, 60 tuổi, sống bên kia đường từ một tòa tháp căn hộ mà khoảng một thập kỷ trước đã trở nên nổi tiếng vì bị đột kích từ trên không. Do lo ngại gặp kháng cự trên mặt đất, cảnh sát Camden đã hạ cánh trực thăng trên mái nhà để thực hiện các vụ bắt giữ.
Sống ở Camden trong 5 thập kỷ qua, ông Pike nhận xét cảnh sát tại đây đang làm tốt hơn việc gắn kết với giới trẻ và đang thuê những người tài giỏi hơn. Ngoài ra, việc đầu tư tốt hơn vào các trường học và nhiều nhân tố khác cũng đứng sau tỉ lệ tội phạm giảm mạnh ở Camden.
Việc Sở cảnh sát Camden tăng gấp đôi quy mô kể từ khi cải tổ lên khoảng 400 thành viên cũng là một yếu tố mà nhà giáo dục Keith Benson tin rằng đã bị bỏ qua trong những lời khen ngợi.
Trên thực tế Camden vẫn có những vấn đề của thành phố. Nơi này có tỉ lệ tội phạm cao nhất ở bang New Jersey và hồi tháng 1/2020 bị xếp hạng là thành phố nguy hiểm thứ 10 của Mỹ. Tuy nhiên
Trung úy Gabe Rodriguez nói rằng việc tập trung vào các mối quan hệ cộng đồng và hạn chế sử dụng vũ lực đã được đền đáp. Rodriguez cho biết anh ta đã rút súng hàng trăm lần kể từ khi trở thành sĩ quan cảnh sát vào năm 2003 nhưng trong 6 năm qua, anh nhớ chỉ làm việc đó một lần. “Phải giảm căng thẳng, giảm căng thẳng. Đó là chìa khoá”, Gabe Rodriguez nói.