Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến hành động này là do nhiệt độ tại khu vực đang đạt ở mức thấp kỷ lục -50 độ C và khiến giao thông tại đây ngưng trệ.
Theo hãng tin CNN, nhân viên thuộc công ty đường sắt Metra không thực sự đốt đường ray. Những đốm lửa dọc hai bên đường xuất phát từ bộ phận cấp nhiệt dùng khí gas được lắp đặt dọc hai bên đường ray làm nhiễm vụ giữ ấm. Công ty này cũng sử dụng một hệ thống làm nóng dạng ống và máy thổi khí nóng để “rã băng” đường ray.
“Cứ lúc nào nhiệt độ đóng băng, chúng tôi sẽ sử dụng đến hệ thống này”, người phát ngôn công ty Michael Gillis giải thích, cho biết thêm hệ thống đường sắt tại Bắc Mỹ cũng dùng trang thiết bị tương tự.
Video đường ray tàu hỏa bị đốt cháy để "giữ ấm" (nguồn: CNN):
Thời tiết giá lạnh ảnh hưởng đường ray theo 2 cách. Trong một số trường hợp, đường ray tàu hỏa sẽ gặp tình trạng ‘tách rời’. Sự cố này xảy ra khi hai đường ray giao nhau bị tách ra ở điểm nối. Không khí cực lạnh sẽ khiến kim loại co rút và đường ray vì đó mà tự tách dần khỏi nhau. Làm nóng đường ray bằng lửa có thể giúp kim loại “nở ra” cho đến khi hai đường ray gắn lại được với nhau. Trong một trường hợp khác, điểm chuyển tiếp đường ray có thể bị kẹt do băng tuyết dưới 0 độ C.
Nhân viên bảo trì sẽ có mặt tại hiện trường khi hệ thống làm nóng được bật lên để theo dõi và kiểm soát. Các ca làm việc kéo dài 12 giờ đồng hồ luân phiên nhau. Một số đoạn nối đường ray thi thoảng sẽ bị sức nóng phá hủy, nhưng phương pháp này an toàn hơn rất nhiều so với phương pháp đặt bình dầu hỏa vào phần trống giữa các đường ray và đốt bằng tay.
Công ty Metra cho biết việc tàu hỏa đi trên lửa không có vấn đề ảnh hưởng tới sự an toàn, vì dầu diesel của tàu hỏa “chỉ bị đốt cháy khi bị nén khí và sức nóng, chứ không phải là do lửa trực tiếp”.
Miền Trung Tây nước Mỹ đang trải qua đợt lạnh giá tồi tệ, với nền nhiệt xuống mức thấp kỉ lục trong ngày 30/1, khiến nhiều trường học, công ty phải đóng cửa hàng loạt, bưu điện dừng chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện.