Hướng phát triển đô thị này thúc đẩy các thành phố trên thế giới nắm bắt lợi thế của công nghệ thông tin và những điều kiện quan trọng khác để thiết kế lại các thành phố theo hướng tiện nghi hơn và thân thiện với người dân hơn, nâng cao chất lượng sống của cư dân và giảm thiểu những nhược điểm của quá trình đô thị hóa, đồng thời góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia.
Chùm bài “Thành phố thông minh” do nhóm phóng viên TTXVN tại nước ngoài thực hiện sẽ cung cấp bức tranh chung về xu hướng phát triển thành phố thông minh qua một số mô hình được các nước triển khai.
Bài 1: Những hình mẫu sinh động
Theo bảng xếp hạng Chỉ số thành phố thông minh của 118 thành phố trên thế giới do Trường Kinh doanh Viện Quản lý phát triển (IMD) Thụy Sĩ và Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore công bố tháng 11/2021, Singapore tiếp tục đứng đầu danh sách thành phố thông minh nhất thế giới năm thứ ba liên tiếp, vượt qua rất nhiều thành phố của châu Âu như Zurich, Geneva và Lausanne (Thụy Sĩ), Oslo (Na Uy), Helsinki (Phần Lan), Copenhagen (Đan Mạch) hay Bilbao (Tây Ban Nha). Đây là kết quả của những chính sách mà Singapore theo đuổi ở cấp độ thành phố lẫn quốc gia, đặc biệt là các dịch vụ chính phủ điện tử, các chiến lược giáo dục và đô thị lấy con người làm trung tâm.
Từ tháng 11/2014, Singapore chính thức triển khai Sáng kiến Quốc gia thông minh (Smart Nation), mà theo Thủ tướng Lý Hiển Long, đây sẽ là nơi người dân có thể phát huy khả năng của bản thân vượt ngoài những gì có thể tưởng tượng. Đến tháng 6/2018, Singapore công bố Kế hoạch Chính phủ kỹ thuật số (Digital Government Blueprint) cập nhật và đưa ra các kế hoạch cụ thể hơn nhằm thực hiện Sáng kiến Quốc gia thông minh.
Để trở thành “quốc gia thông minh”, Singapore tập trung vào xây dựng 3 trụ cột chính gồm: Kinh tế kỹ thuật số (Ditital Economy), Chính phủ kỹ thuật số (Digital Government) và Xã hội kỹ thuật số (Digital Society). Sáng kiến Quốc gia thông minh của Singapore tập trung chuyển đổi 5 lĩnh vực chủ chốt gồm: y tế, giao thông, giải pháp đô thị, tài chính và giáo dục.
Trong lĩnh vực y tế, Singapore tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe người dân. Trước tiên phải kể đến TeleHealth, giúp các bác sỹ tiếp cận được nhiều bệnh nhân hơn, qua đó giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực; hay ứng dụng TeleRehab cho phép bệnh nhân có thể nhận được hướng dẫn từ xa và sử dụng các thiết bị đeo tay cảm ứng để các bác sỹ, chuyên gia có thể kiểm soát từ xa. Một sáng kiến khác là HealthHub, một trang web và ứng dụng điện thoại, giúp người dân tiếp cận thông tin và lịch sử chăm sóc y tế của mình, đặt lịch hẹn, xem kết quả xét nghiệm,...
Về giao thông, hai sáng kiến nổi bật là thanh toán không chạm (contactless payment) và các xe tự hành. Trước đó, Singapore đã sử dụng thẻ EZ-Link để thanh toán vé phương tiện công cộng (xe buýt và tàu điện ngầm). Năm 2019, Singapore triển khai hệ thống thanh toán bằng thẻ ngân hàng và thanh toán bằng điện thoại thông minh. Người dùng cài ứng dụng SimplyGo vào điện thoại thông minh, đăng ký thông tin và thẻ ngân hàng. Sau đó, thẻ ngân hàng/hoặc điện thoại (có cài Apple Pay, Samsung Pay,...) để thanh toán tiền vé mà không cần phải sử dụng thẻ đi tàu/xe buýt truyền thống. Trong lĩnh vực xe tự lái, Singapore đã thành công trong việc phát triển công nghệ tự lái với hệ thống Auto Rider đang được triển khai tại một số điểm du lịch.
Về giáo dục, Singapore tăng cường áp dụng công nghệ vào giáo dục để nâng cao hiệu quả giảng dạy, tăng cường kết nối giữa học sinh, phụ huynh với giáo viên. Để giảm tải các công việc hành chính cho giáo viên, Singapore phát triển ứng dụng điện thoại Parents Gateway (áp dụng cho các trường công) để kết nối giữa gia đình với nhà trường. Ứng dụng cho phép các trường học thông báo tình hình, lịch trình cho phụ huynh, đồng thời phụ huynh cũng có thể ký đơn nhất trí cho học sinh tham gia các hoạt động mới do nhà trường tổ chức.
Liên quan tới các giải pháp đô thị, do hạn chế về diện tích nên Singapore tập trung tìm kiếm giải pháp để cải thiện môi trường đô thị, bất động sản tốt hơn, hiệu quả hơn. Singapore xây dựng Khuôn khổ Thị trấn HDB thông minh (Smart HDB Town Frame Work) do Cơ quan Phát triển và nhà đất (HDB) thực hiện, tập trung vào 5 mũi nhọn gồm hoạch định thông minh, môi trường thông minh, bất động sản thông minh, cuộc sống thông minh và cộng đồng thông minh. Mục tiêu chủ chốt là cải thiện hệ thống nhà HDB (nhà do chính phủ xây dựng và bán cho người dân) theo hướng thông minh hơn, hiệu quả hơn phục vụ nhu cầu của người dân.
Trong lĩnh vực tài chính, Singapore tập trung phát triển môi trường FinTech để hỗ trợ sáng tạo trong lĩnh vực tài chính và có thể áp dụng các công nghệ mới. Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) có kế hoạch tạo ra Trung tâm Tài chính thông minh (SFC), nơi công nghệ sẽ được sử dụng trong ngành công nghiệp tài chính để tăng sự hiệu quả, tạo ra các cơ hội kinh tế mới và kiểm soát rủi ro tốt hơn. MAS cũng đã mở Phòng thí nghiệm Sáng tạo FinTech (FinTech Innovation Lab), nơi cộng đồng có thể kết nối, hợp tác với nhau.
Tại Hàn Quốc, xây dựng các thành phố thông minh là một phần chiến lược trong chính sách kinh tế quốc gia của chính phủ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế của nước này bằng cách phát triển và thương mại hóa các công nghệ 4IR mới như dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và chuỗi khối (blockchain). Ngoài mục tiêu giải quyết các vấn đề đô thị, phục vụ tất cả người dân và tạo ra một hệ sinh thái công nghiệp mới, xây dựng các thành phố thông minh là một cách để Chính phủ Hàn Quốc phát triển thế mạnh trong các lĩnh vực này, phát triển và thương mại hóa các công nghệ mới, giống như đã làm với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin-truyền thống (ICT) cốt lõi vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Chính phủ Hàn Quốc dự báo thu về hơn 87,7 tỷ USD từ các dự án thành phố thông minh vào năm 2030 trong tổng số 544, tỷ USD từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này.
Các thành phố thông minh của Hàn Quốc phát triển trên cơ sở U-City (thành phố quen thuộc) trong những năm 2000. U-City là nỗ lực đầu tiên của Hàn Quốc trong việc tích hợp các dịch vụ khác nhau trong một thành phố thông qua ICT, mang lại sự tiện lợi hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn và tiết kiệm. Có thể kể đến các dịch vụ như cung cấp thông tin thời gian thực các chuyến xe buýt và xe lửa đang đến bến cho hành khách, quản lý giao thông, trong đó có việc xử phạt các trường hợp vi phạm luật lệ giao thông hay tiếp cận các dịch vụ trực tuyến của chính phủ. Kế hoạch tổng thể 5 năm xây dựng U-City được công bố năm 2009, cùng với khoản đầu tư 428,28 triệu USD, đã dẫn đến sự phát triển các U-City trên toàn Hàn Quốc. Các thành phố thông minh đã thay thế U-City ở Hàn Quốc vào cuối kế hoạch này.
Hiện Hàn Quốc đang tiến hành hai dự án xây dựng thành phố thông minh thí điểm ở Sejong và Busan. Đây là các dự án quy mô lớn được thực hiện trên khu vực chưa xây dựng gì, có cơ sở hạ tầng và các dịch vụ thông minh, sử dụng các công nghệ hiện đại nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như AI, mạng 5G, chuỗi khối để phát triển các ngành mới như xe tự hành, máy bay không người lái và năng lượng thông minh. Những nơi này sẽ đóng vai trò như nơi thử nghiệm phát triển và nhân rộng mô hình thành phố thông minh.
Dự án thành phố thông minh ở Sejong có diện tích 2,7 km2 sẽ có dân số 23.000 người (9.000 hộ gia đình) khi hoàn thành. Đây là thành phố có nền tảng trí tuệ nhân tạo, làm thay đổi cuộc sống của người dân bằng các sáng kiến mới về quản lý hành chính, văn hóa, y tế, giáo dục, năng lượng, giao thông, việc làm... Ví dụ, giao thông thông minh tối ưu hóa giao thông bằng cách phân tích dòng phương tiện lưu thông và dùng chung phương tiện giúp giảm thời gian và chi phí đi lại. Bên cạnh đó, việc đưa vào hoạt động nhiều loại phương tiện vận tải tương lai như xe tự hành cũng sẽ giúp ích nhiều cho người dân trong cuộc sống thường nhật. Hay trong lĩnh vực y tế, sẽ có các dịch vụ mới như khám bệnh từ xa, cấp cứu bằng máy bay không người lái, phân tích số liệu dự báo bệnh, lưu trữ đầy đủ bệnh án….
Thành phố thông minh ở Busan được xây dựng trên khu đất rộng 2,2 km2, bao gồm một phần của sông Nakdong và các phụ lưu, sẽ triển khai các sáng kiến về quản lý hành chính, giáo dục, y tế, giao thông, an toàn, nguồn nước, năng lượng và sử dụng người máy… Đặc biệt, đây sẽ là thành phố ứng dụng công nghệ quản lý nguồn nước thông minh trong toàn bộ chu trình xử lý nước đô thị từ nước mưa, nước sông, nước cống. Thành phố cũng sẽ có hệ thống năng lượng tái tạo (thủy điện, điện mặt trời, pin nhiên liệu) đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng của người dân. Về người máy, thành phố sẽ đẩy mạnh việc sử dụng người máy chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, vận chuyển hàng hóa, giúp đỗ xe, tính tiền tại các cửa hàng…
Bên cạnh hai dự án thí điểm này, Chính phủ Hàn Quốc đã lựa chọn thành phố miền Trung Daegu và thành phố vệ tinh Siheung của thủ đô Seoul là nơi thực hiện các dự án nghiên cứu và phát triển, xác nhận giá trị mô hình thành phố thông minh của Hàn Quốc. Hai thành phố này cũng được coi là "nơi thử nghiệm" mô hình thành phố thông minh, trong đó có trung tâm thu thập, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu trên một nền tảng tích hợp toàn thành phố. Hai dự án này được thực hiện trong 5 năm (hoàn thành cuối năm 2022). Daegu sẽ tập trung nghiên cứu giao thông thông minh, phòng chống tội phạm và khả năng ứng phó thảm họa thiên nhiên và do con người gây ra, trong khi Siheung tập trung vào lĩnh vực môi trường, phúc lợi xã hội và năng lượng.
Mô hình chính quyền đô thị thông minh của Israel có đặc điểm là cơ cấu gọn, lãnh đạo trực tiếp, ít cấp trung gian, hoạt động hiệu quả, áp dụng tự động hóa và cơ sở dữ liệu đầy đủ, đặc biệt là hệ thống thông tin dữ liệu về công dân. Chính quyền đô thị thông minh tại Israel hoạt động theo chính phủ điện tử và thành phố thông minh, áp dụng khoa học công nghệ trong thực tiễn vận hành liên tục kết nối liên thông, tương tác điện tử và số hóa trực tiếp giữa người dân với chính quyền trong giải quyết các vấn đề phát sinh…
Nổi bật là thành phố Tel Aviv với hệ thống camera ở khắp nơi, điều hành giao thông thông minh, hệ thống tưới tiêu thông minh… Để có được kết quả như vậy, từ nhiều năm trước lãnh đạo chính quyền thành phố Tel Aviv đã xây dựng chương trình tầm nhìn phát triển thành phố trong 15 năm và vẫn đang tiếp tục xây dựng chương trình tầm nhìn 15 năm tới. Đây là môi trường thử nghiệm cho các dự án của thành phố, nỗ lực chung giữa nhà nước và tư nhân, các công ty khởi nghiệp và các trung tâm đại học.
Có thể nói dù triển khai dưới hình thức nào thì mô hình thành phố thông minh và bền vững cũng thể hiện quyết tâm chính trị cao của các nhà lãnh đạo trong xây dựng lộ trình và thực hiện nhằm đáp ứng được những nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Bài 2: Huy động nguồn lực cộng đồng