Những cửa hàng bằng kính trong suốt tại Trung tâm Váy cưới Huqiu cao 5 tầng ở thành phố Tô Châu (Trung Quốc) luôn lấp lánh ánh sáng phản chiếu từ những lớp váy cưới lộng lẫy, hút mắt những khách mua tiềm năng.
Nhưng thời điểm này, chẳng có mấy người đến trung tâm mua sắm hiện đại này, một nơi trưng bày hào nhoáng của ngành công nghiệp sản xuất váy cưới khổng lồ tại Tô Châu, thường thu hút du khách và khách hàng không chỉ từ khắp Trung Quốc mà còn ở nước ngoài.
“Doanh thu năm nay không được tốt, tôi hy vọng sẽ phục hồi một chút trong nửa cuối năm”, Ma Li, chủ cửa hàng Áo cưới Hua Qing Yu, tại trung tâm Huqiu nói với Reuters khi cô mặc đồ cho ma-nơ-canh.
Là một trong những nhà xuất khẩu đồ dùng phục vụ cô dâu lớn nhất thế giới, Tô Châu đang thấm thía cú đòn kinh tế khi các cặp đôi trên khắp thế giới phải trì hoãn, giảm quy mô hoặc hủy bỏ đám cưới của họ vì dịch COVID-19.
Trung tâm sản xuất ở miền Đông Trung Quốc này cũng là nơi đặt các nhà máy sản xuất linh kiện cho Apple, trung tâm công nghệ của Microsoft, nhưng váy cưới là một mảng hoạt động kinh doanh chính của thành phố. Và đó là một ngành kinh doanh lớn.
Theo công ty phân tích thị trường Frost & Sullivan, doanh số thị trường đồ cưới ở Trung Quốc đã tăng từ 923 tỷ nhân dân tệ lên 1,64 nghìn tỷ nhân dân tệ từ năm 2014 đến năm 2018 và tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đạt 15,5%. Đến năm 2023, ngành công nghiệp này dự kiến sẽ trị giá 3 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Nhưng tốc độ tăng trưởng đó nhanh chóng bị gián đoạn sau khi bùng phát ổ dịch COVID-19 ở Vũ Hán, nằm cách Tô Châu khoảng 740km về phía Tây.
Khi đó là cuối năm 2019 và các biện pháp phong tỏa bắt đầu được áp dụng ở Trung Quốc, tiếp đó là những nơi khác trên thế giới trong mùa Xuân năm 2020.
Mặc dù gần đây Trung Quốc đã bắt đầu cho phép tổ chức trở lại các cuộc tụ tập đông người như đám cưới khi số ca nhiễm COVID-19 giảm mạnh, tuy nhiên các công ty ở Tô Châu cho hay doanh số bán hàng của họ còn lâu mới đạt được mức bình thường do nhiều cặp đôi đã giảm quy mô lễ cưới để tiết kiệm chi phí và hạn chế đông khách.
"Về cơ bản chúng tôi không có khách hàng", Zhu Yuan, chủ tịch của Romen’s Wedding Dress, phát biểu từ showroom của mình, nơi hàng chục chiếc váy cưới đính kết xếp xen kẽ nhau trên các kệ.
“Trong 100 doanh nghiệp thì chỉ có 10-20% sống sót”, Zhu Yuan nói về các doanh nghiệp khách hàng của cô, bao gồm các studio áo cưới và nhà xuất khẩu.
Suzhou Jusere Wedding & Evening Dress, một trong những nhà sản xuất váy cưới lớn nhất Tô Châu, đã cố gắng giảm thiểu tình trạng suy thoái bằng cách tăng doanh số bán hàng trực tiếp cho cô dâu và chủ động tìm đến các khách hàng. Tuy nhiên khi làn sóng lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 vẫn đang hoành hành trên toàn cầu thì các đơn đặt hàng từ nước ngoài, vốn chiếm 1/10 doanh thu của công ty, đã biến mất hoàn toàn. “Tôi hy vọng đại dịch ở nước ngoài được kiểm soát, giúp các studio áo cưới mở cửa lại. Điều đó có thể xoay chuyển tiêu dùng”, nhà sáng lập công ty, Xu Chuanhai chia sẻ.
Hội chợ Cưới Trung Quốc - China Wedding Expo 2020, một sự kiện thường niên thu hút đông đảo các nhà bán lẻ váy cưới, nhà xuất khẩu và các studio cưới vẫn được tổ chức ở Thượng Hải hồi tháng 7, nhưng chỉ có lèo tèo khách tới.
Ông Jiang Xin, một đại diện của Hermosa Trading, cho biết chi phí vận chuyển tăng mạnh do đại dịch cũng khiến váy cưới xuất khẩu trở nên đắt đỏ. “Thuế thì cố định nhưng chi phí vận chuyển tăng do nhiều chuyến bay bị hủy. Chu kỳ đặt hàng cũng lâu hơn vì thế chi phí đang tăng”, Jiang Xin cho biết.
Tại Thượng Hải, cô Wei Jiawen và chồng là Pan Wenjun vừa tổ chức lễ cưới bên gia đình và bạn bè vào giữa tháng 8 vừa qua, với quy mô giảm hơn rất nhiều so với kế hoạch ban đầu từ tháng 2. “Chúng tôi chịu cả áp lực thể chất lẫn tinh thần suốt nửa năm qua vì đám cưới bị trì hoãn”, Wei nói và cho biết cô đã sinh một bé gái trong thời gian chờ sắp xếp lại lịch cưới.