Kể từ Đêm Giao thừa năm 1923, khi kỹ sư BBC A.G. Dryland quay lại khoảnh khắc chuông đồng hồ Big Ben ngân lên, việc phát sóng truyền hình trực tiếp giây phút này đã trở thành truyền thống hằng năm. Âm thanh từ tháp đồng hồ biểu tượng của Anh từ lâu đã chiếm một vị trí đặc biệt trong đời sống người dân nước này.
Hằng ngày, người dân đều có thể nghe chuông ngân lên vào lúc 6 giờ chiều và nửa đêm, riêng Chủ nhật là 3 lần trên đài BBC và khi bắt đầu chương trình News at Ten hằng đêm trên kênh ITV. Big Ben quan trọng đến mức, ngay cả khi đồng hồ phải dừng điểm chuông do đang trong quá trình sửa chữa kéo dài 5 năm, người dẫn vẫn có thể nghe thấy tiếng chuông trong những dịp lễ quan trọng như Ngày Đình chiến, Anh rời Liên minh châu Âu (EU), lễ tang của Nữ hoàng Anh Elizabeth II vào năm 2022.
Sau thời gian tu sửa, Big Ben đã hoạt động trở lại vào tháng 11/2022. Trong khi người dân London đang tận hưởng Đêm Giao thừa, một nhóm thợ sẽ có mặt ở trên đỉnh tháp để kiểm tra vào phút chót, đảm bảo đồng hồ sẽ chính xác “trong vòng một phần giây”.
Công trình cao 96m này được hoàn thành xây dựng vào năm 1859 và được gọi là Tháp đồng hồ Big Ben trước khi được đổi tên thành Tháp Elizabeth vào năm 2012 nhân kỷ niệm Đại lễ Kim cương, đánh dấu 60 năm trị vì của Nữ hoàng Anh Elizabeth II.
Trước đây, những người thợ sẽ so sánh thời gian của đồng hồ trong tháp với giờ thông báo qua điện thoại. Hiện nay, thời gian của đồng hồ đã được hiệu chỉnh bằng GPS thông qua Phòng thí nghiệm Vật lý Quốc gia Anh. Tuy nhiên, phương pháp điều chỉnh cơ chế đo thời gian của đồng hồ vẫn khá thủ công, theo đó những người thợ sẽ thêm hoặc lấy bớt đồng xu ra khỏi các con lắc gắn vào hai lò xo cuộn khổng lồ để chỉnh nhanh lên hoặc chậm đi 1 giây.