Theo đài Sputnik (Nga), ông Michael Aastrup Jensen, Chủ tịch Ủy ban chính sách đối ngoại của Đan Mạch cho biết quốc gia Bắc Âu này đã loại bỏ hạm đội tàu ngầm cuối cùng còn lại vào năm 2004, nhưng cuộc tranh luận sôi nổi về việc liệu quân đội Đan Mạch có nên đổi mới năng lực hoạt động dưới nước hay không vẫn đang diễn ra sôi nổi.
Theo ông Jensen, các nghị sĩ đang cân nhắc liệu Đan Mạch có nên mua tàu ngầm từ “những người bạn có mối quan hợp tác chặt chẽ” hay không. Vị quan chức này thừa nhận Đan Mạch đang nhắm đến việc củng cố quân đội, khi vị trí chiến lược cho phép quốc gia này theo dõi các tàu của Hạm đội Baltic của Nga từ St Petersburg hoặc Kaliningrad.
Các chuyên gia cho hay hạm đội tàu ngầm mới sẽ mang lại cho Đan Mạch “bàn tay độc nhất” đối với sự hiện diện của nước này ở Biển Baltic và Bắc Cực. Quốc gia 5,8 triệu dân đang có những kế hoạch đầy tham vọng ở Greenland - hòn đảo lớn nhất thế giới và thuộc sở hữu của Đan Mạch.
Một trong những lý do chính khiến Đan Mạch không mua tàu ngầm là vì chúng chiếm một khoản lớn trong ngân sách quốc phòng tương đối khiêm tốn của nước này. Tuy nhiên, khả năng thuê tàu ngầm trong một thời gian dài cũng đang được cân nhắc.
Các cuộc thảo luận về tàu ngầm gần đây diễn ra vào đúng thời điểm Hải quân Hoàng gia Đan Mạch đang bàn bạc về việc thay thế các tàu tuần tra, theo một phần của Thỏa thuận Quốc phòng.
Hồi năm 2022, Copenhagen đã cam kết đầu tư 5,8 triệu USD vào các tàu hải quân mới, dự kiến được đóng trong vòng vài năm tới, đồng thời cam kết “an ninh nguồn cung” mạnh mẽ hơn.
Sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Đan Mạch đã công bố một số thay đổi lớn trong tư thế phòng thủ quốc gia.
Đầu tiên, Đan Mạch đã tham gia Chính sách quốc phòng và an ninh chung của Liên minh châu Âu (EU), thay đổi quan điểm duy trì gần 3 thập kỷ qua. Đây được coi là một biến động địa chính trị lớn tại châu Âu. Với việc gia nhập vào chính sách quốc phòng chung của EU, Đan Mạch có thể gửi quân tham gia vào các chiến dịch quân sự mà châu Âu đang tiến hành như tại Somali, Bosnia hay Mali cũng như được trực tiếp thảo luận các chủ đề về quốc phòng của châu Âu tại mỗi kỳ họp của liên minh.
Thứ hai, quốc gia Bắc Âu này đã tuyên bố tăng mạnh chi tiêu quốc phòng, từ 1,35% lên mốc 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Thứ ba, Đan Mạch được coi là một trong những nước ủng hộ tích cực nhất cho Kiev, viện trợ vũ khí, ngân sách và cả đào tạo binh sĩ. Copenhagen cũng là thành viên của liên minh xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard mà châu Âu gửi cho Ukraine. Nước này cũng đồng ý tặng toàn bộ 19 hệ thống pháo Caesar cho Kiev. Gần đây hơn, Đan Mạch đã ủng hộ kế hoạch gửi máy bay chiến đấu F-16 đến Kiev và chỉ đạo huấn luyện liên quân cùng Hà Lan.
Thứ tư, Đan Mạch đã mở rộng hiện diện ở nước ngoài ra những khu vực xa hơn, chẳng hạn từ một phần của Trung Đông sang các quốc gia vùng Baltic.
Cuối cùng, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đang được cân nhắc vị trí Tổng thư ký mới của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thay thế ông Jens Stoltenberg.
Tuy nhiên, các kế hoạch quân sự của Đan Mạch có thể bị cản trở bởi tình trạng thiếu hụt nhân sự và kinh phí nghiêm trọng. Hồi tháng 2, Chính phủ Đan Mạch đã thông qua dự luật bãi bỏ ngày nghỉ lễ Great Prayer Day, để dành tiền tăng chi tiêu quốc phòng, đáp ứng mục tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO. Song việc cắt bỏ bớt một ngày nghỉ lễ đã làm dậy sóng dư luận trên khắp quốc gia này.