Theo đài truyền hình CNN, quốc gia Arab đông dân nhất thế giới đang phải hứng chịu cuộc khủng hoảng tiền tệ kỷ lục và lạm phát tồi tệ nhất trong 5 năm, khiến giá thực phẩm trở nên đắt đỏ đến mức nhiều người Ai Cập không còn đủ khả năng mua gà, một loại lương thực chính.
Giá gia cầm đã tăng gấp đôi từ 30 bảng Ai Cập (khi đó là 1,9 USD) mỗi kg vào năm 2021 lên tới 70 bảng Ai Cập (2,36 USD) vào ngày 16/1.
Chi phí tăng cao đã khiến Viện Dinh dưỡng Quốc gia Ai Cập kêu gọi người dân chuyển sang ăn chân gà.
“Bạn đang tìm kiếm các lựa chọn tiết kiệm ngân sách thay thế thực phẩm giàu protein?”, là nội dung câu hỏi được Viện Dinh dưỡng Quốc gia đăng trên một thông báo Facebook, dưới đó gợi ý một số loại thực phẩm từ chân gà đến móng gia súc.
Nhiều người Ai Cập đã vô cùng tức giận khi chính phủ yêu cầu người dân sử dụng các loại thực phẩm vốn là biểu tượng của nghèo đói cùng cực ở nước này. Ở Ai Cập, chân gà được coi là mặt hàng thịt rẻ nhất và phần lớn không coi đó là thực phẩm.
“Chúng ta đã bước vào thời đại của chân gà, sự sụp đổ của đồng bảng Ai Cập và chìm trong nợ nần”, Mohamed Al-Hashimi - một người có sức ảnh hưởng truyền thông – đăng tải tweet trên tài khoản có 400.000 người theo dõi.
Tuy nhiên, vẫn có một số bộ phận dân quan tâm đến lời kêu gọi. Sau khuyến nghị chuyển sang chân gà, giá một kg sản phẩm được cũng đã tăng gấp đôi lên 20 bảng Ai Cập.
Các nhà chức trách nói rằng gần 30% dân số Ai Cập sống dưới mức nghèo khổ. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới vào năm 2019 đã ước tính rằng khoảng 60% dân số Ai Cập là người nghèo hoặc dễ bị tổn thương.
Trong thập kỷ qua, Ai Cập lao đao trước một số cuộc khủng hoảng tài chính, buộc nước này phải tìm kiếm các gói cứu trợ từ các chủ nợ như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các đồng minh Arabvùng Vịnh.
Tuy nhiên, đất nước này đã bị mắc kẹt trong vòng xoáy vay mượn không bền vững. Theo IMF, nợ của nước này trong năm nay lên tới 85,6% quy mô nền kinh tế.
Một số yếu tố góp phần khiến nền kinh tế Ai Cập sa sút bao gồm vai trò quá lớn của quân đội, điều mà các nhà phân tích cho rằng làm suy yếu khu vực tư nhân, cũng như việc phân bổ số tiền lớn cho các dự án lớn như tòa tháp cao nhất châu Phi và một thành phố thủ đô mới trên sa mạc.
Hai năm qua, nền kinh tế Ai Cập cũng phải hứng chịu một đòn nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và xung đột Ukraine làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại tệ và giá nhiên liệu tăng cao đẩy lạm phát lên cao.
Trong đại dịch, các nhà đầu tư rút 20 tỷ USD khỏi Ai Cập. Nền kinh tế suy thoái do ảnh hưởng từ cuộc chiến Ukraine cũng đã dẫn đến một lượng tiền tương tự rời khỏi đất nước này vào năm 2021.
Những sự kiện đó đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng tiền tệ mà Ai Cập phải đối mặt ngày nay. Đồng bảng Ai Cập đã mất gần một nửa giá trị trong năm qua và tuần trước đạt tỷ giá hối đoái là 32 bảng so với 1 USD, mức thấp nhất trong lịch sử.
Trong gói cứu trợ mới nhất được thông qua vào tháng 12/2022, IMF đã cho Ai Cập vay 3 tỷ USD. IMF hy vọng khoản tiền sẽ thúc đẩy các khoản hỗ trợ bổ sung 14 tỷ USD từ các đối tác quốc tế và khu vực của Ai Cập, bao gồm cả các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ.
Khi đồng tiền Ai Cập bị giảm giá trị vào tháng 10, Đại sứ quán Mỹ tại Cairo đã đưa ra cảnh báo về tình trạng bất ổn có thể xảy ra.
Hơn một thập kỷ trước, Ai Cập và các quốc gia Trung Đông khác đã rơi vào làn sóng biểu tình khiến các chính phủ bị lật đổ, nền kinh tế suy yếu và thậm chí gây ra các cuộc nội chiến khiến hàng triệu người tị nạn phải chạy trốn khỏi khu vực.
Vào năm 2011, khi hàng triệu người xuống đường đòi thay đổi chế độ, khẩu hiệu được hô vang phổ biến nhất ở Ai Cập là “Bánh mì, tự do và bình đẳng xã hội”.
Ai Cập là nơi sinh sống của hơn 106 triệu người, hơn một nửa trong số đó đang sống trong điều kiện kinh tế bấp bênh. Nhiều người không đủ khả năng mua các loại thực phẩm cơ bản, hạn chế chi tiêu. Các nhà phân tích đã cảnh báo về tình trạng bất ổn nếu tình hình xấu đi đáng kể.