Có 5 ứng cử viên vượt qua vòng bầu cử tổng thống sơ bộ và đủ điều kiện tranh tài trong cuộc tổng tuyển cử lần này, trong đó nổi lên 3 nhân vật được cho là nắm giữ cơ hội lớn nhất để trở thành nhà lãnh đạo tương lai của Argentina, đó là Bộ trưởng Kinh tế Sergio Massa do liên minh cầm quyền theo đường lối trung tả Unión por la Patria (Liên minh vì Tổ quốc) đề cử; Chủ tịch đảng Đề xuất Cộng hòa (PRO – chính đảng chủ chốt trong liên minh trung hữu cầm quyền giai đoạn từ 2015-2019), bà Patricia Bullrich; và Hạ nghị sĩ theo đường lối cực hữu Javier Milei.
Tại cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ vào giữa tháng 8 vừa qua, Hạ nghị sĩ Javier Milei đã làm rúng động dư luận Argentina khi giành số phiếu bầu cao nhất với tỷ lệ 30,2%. Trong khi đó, Bộ trưởng Massa đứng vị trí thứ hai, với 21,4% số phiếu ủng hộ. Ứng cử viên tổng thống Patricia Bullrich giành được 17% số phiếu bầu.
Việc Hạ nghị sĩ Javier Milei dẫn đầu trong cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ được xem là một bất ngờ do giới quan sát trước đó cho rằng đây là cuộc đua "song mã" giữa liên minh trung tả cầm quyền và liên minh đối lập bảo thủ. Theo Giáo sư về xã hội học Melina Vázquez thuộc Đại học Buenos Aires (UBA), chiến thắng của ông Milei là một bất ngờ đối với ngay cả những người ủng hộ lạc quan nhất của chính trị gia này. Họ cho rằng đạt được tỷ lệ ủng hộ 15-20% đã là một thành công lớn.
Bà Vázquez nhận xét ứng cử viên Milei đã làm rung chuyển chính trường Argentina trong cuộc bầu cử sơ bộ nhờ khả năng thu hút những cử tri bất mãn với giới lãnh đạo chính trị truyền thống tại nước này. Nhóm cử tri này cho rằng giới lãnh đạo tỏ ra “bất lực” trong cuộc chiến chống lại nạn lạm phát và tình trạng tham nhũng trong chính quyền.
Hạ nghị sĩ Milei – xuất thân là nhà kinh tế học – đã có một chiến dịch tranh cử “sôi nổi” gần giống với phong cách của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, với lời hứa hẹn “thanh trừng” giới tinh hoa chính trị của đất nước nhằm thay đổi hiện trạng chính trị của Argentina. Cùng với đó, ông Milei cho biết nếu thắng cử tổng thống, ông sẽ đóng cửa Ngân hàng trung ương, USD hóa nền kinh tế và cắt giảm mạnh chi tiêu nhà nước. Những bài phát biểu của chính trị gia này đã đánh trúng tâm lý của một bộ phận không nhỏ cử tri, đặc biệt là giới trẻ, những người đã quá “ngán ngẩm” với đời sống kinh tế khó khăn trong suốt những năm qua.
Cùng chung quan điểm với Giáo sư Vázquez, chuyên gia phân tích chính trị Alejandro Katz nhấn mạnh, kết quả điều hành đất nước không mấy khả quan của giới lãnh đạo chính trị truyền thống trong những thập niên gần đây, bao gồm sự trì trệ của nền kinh tế với nạn lạm phát không ngừng gia tăng, mức độ nghèo đói chạm ngưỡng 40% và các chỉ số phát triển xã hội suy giảm, đã góp phần không nhỏ khiến các cử tri quay sang ủng hộ ứng cử viên cực hữu Milei.
Trái ngược với phong cách sôi nổi và có phần bốc đồng mà ông Milei thể hiện, ứng cử viên Massa, 51 tuổi, lại xây dựng hình ảnh một chính trị gia điềm tĩnh và cởi mở. Ngoài những cam kết về chống lạm phát và cắt giảm tỷ lệ đói nghèo, ông Massa xây dựng chiến dịch tranh cử của mình dựa trên lời hứa về đoàn kết chính trị và đảm bảo an ninh xã hội cho người dân.
Đối với một bộ phận cử tri, việc ông Massa thắng cử sẽ là cơ sở bảo đảm cho sự ổn định về chính trị. Nhà khoa học chính trị Juan Negri từ Đại học Torcuato di Tella cho rằng “đường phố trở nên thanh bình hơn” nếu đại diện của liên minh cầm quyền thắng cử, do “các công đoàn có mối quan hệ tốt đẹp với chính phủ hiện nay”.
Cùng với đó, khác với Hạ nghị sĩ Milei vốn chỉ dấn thân vào sự nghiệp chính trị trong 2 năm trở lại đây và hầu như không có kinh nghiệm điều hành, Bộ trưởng Massa đã có hơn 30 năm hoạt động chính trị với “bề dày thành tích” không hề tầm thường khi kinh qua hàng loạt các chức vụ quan trọng như Chủ tịch Hạ viện, Chánh Văn phòng Nội các và nay là Bộ trưởng Kinh tế. Ngoài ra, ông Massa được cho là có khả năng dung hòa lợi ích giữa các phe phái chính trị trong nước. Đây là một điểm khác biệt nữa so với quan điểm chính trị “chia rẽ” và “xóa bỏ” của ông Milei.
Ngoài 2 ứng cử viên trên, không thể không nhắc tới nữ chính trị gia Patricia Bullrich - người cũng có khả năng thu hút một số lượng lớn cử tri nữ nhờ việc xây dựng được hình ảnh một người phụ nữ kiên cường và không khoan nhượng. Tuy không quá cực đoan như Hạ nghị sĩ Milei, bà Bullrich thể hiện mình là nhà lãnh đạo cứng rắn với thông điệp “Hoặc là tất cả hoặc không gì cả” trong chiến dịch tranh cử.
Theo Hiến pháp Argentina, để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, một ứng cử viên phải giành được tối thiểu 45% số phiếu ủng hộ, hoặc 40% số phiếu ủng hộ song phải cách biệt ít nhất 10% so với ứng cử viên ở vị trí thứ hai. Trường hợp không có ứng cử viên nào đạt được số phiếu cần thiết, một cuộc bầu cử vòng 2 giữa hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất sẽ được tổ chức sau đó trong khoảng 30 ngày.
Cuộc đua đến chiếc ghế tổng thống Argentina từng được coi là cuộc tranh chấp “tay đôi” giữa hai nhóm chính trị trung tả và trung hữu, thì giờ đây đã ở thế “chân vạc” với sự xuất hiện của ứng cử viên cực hữu Javier Milei. Cuộc tranh tài vào vị trí lãnh đạo cao nhất của Argentina sẽ trở nên gay cấn và khó lường hơn bao giờ hết vì các ứng cử viên đều có cơ hội tương đương nhau. Hầu hết các chuyên gia phân tích chính trị tại Argentina đều nhận định sẽ không có ứng cử viên nào giành chiến thắng ngay trong cuộc tổng tuyển cử ngày 22/10, do đó cử tri tại quốc gia Nam Mỹ này sẽ phải tham gia bỏ phiếu chọn nhà lãnh đạo tương lai của đất nước trong cuộc bầu cử vòng 2.