Nhà báo Peter Apps, phụ trách chuyên mục các vấn đề toàn cầu của hãng tin Reuters, đồng thời là người sáng lập và Giám đốc điều hành của Dự án Nghiên cứu Thế kỷ 21 (PS21), một cơ quan tham mưu phi chính phủ đã đưa ra 5 điểm nhấn có ý nghĩa lớn trong năm 2018 như sau:
1. Năm thăng trầm của các tỷ phú công nghệ: Hầu hết những nhân vật bị thiệt hại về kinh tế hoặc chịu sự chỉ trích nặng nề từ chính những "phát minh" của mình đều là những cái tên "đình đám" trong làng công nghệ thế giới.
Tỷ phú Elon Musk, đã thành công trong tham vọng phóng tên lửa Falcon Heavy từ bang Florida, mang theo chiếc xe điện mui trần Tesla của ông lên sao Hỏa, lại chính là người bị kéo vào cuộc tranh cãi ầm ĩ với một thợ lặn người Anh về chiếc tàu ngầm thu nhỏ mà ông hy vọng rằng có thể giúp giải cứu 12 cậu bé bị mắc kẹt trong một hang ngập nước ở Thái Lan.
Tổng Giám đốc điều hành (CEO) Facebook Mark Zuckerberg, từng được cho sẽ là một ứng cử viên tổng thống Mỹ, cũng không mấy tốt đẹp khi công ty của tỷ phú này vướng vào một loạt bê bối làm lộ hình ảnh của khoảng 6,8 triệu người dùng, và tài sản của ông chủ trang mạng này đã thiệt hại ước tính 16 tỷ USD.
CEO của Google, Sundar Pichai, trở thành vị giám đốc công nghệ mới nhất bị yêu cầu điều trần trước Quốc hội Mỹ. Hiện Google đang đối mặt với sự chỉ trích về một loạt vấn đề, trong đó bao gồm cả quan hệ của tập đoàn này với Chính phủ Mỹ và Trung Quốc.
2. Năm sa thải các cố vấn, củng cố quyền lực của ông chủ Nhà Trắng: Nói như vậy bởi lẽ năm 2018 có hàng chục quan chức ra đi dưới sự điều hành của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Được đánh giá là những nhân vật có nhiều ảnh hưởng, cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn An ninh quốc gia H.R. McMaster không thoát khỏi danh sách sa thải. Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly cũng phải rời nhiệm sở vào tháng 12. Lãnh đạo "xứ cờ hoa" luôn tin tưởng vào đánh giá của riêng minh hơn là của đội ngũ “những người gác cổng” hay những người của đảng Cộng hòa.
3. Tổng thống Mỹ "lấy lòng" nhà lãnh đạo Triều Tiên và Nga: Chưa bao giờ ông chủ Nhà Trắng lại có các cuộc gặp sôi nổi và nồng ấm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin như tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore hồi tháng 6/2018, và ở Helsinki (Phần Lan) tháng 7/2018. Ông Trump đã khiến nhiều quan chức trong chính quyền Mỹ lo ngại khi sự thân mật của ông với các nhà lãnh đạo cựu thù này đối lập hoàn toàn với cuộc họp của các nhà lãnh đạo đồng minh phương Tây trong Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu (G7) diễn ra ở Canada hồi tháng 6/2018, thời điểm ông Trump dường như bị cô lập hơn bao giờ hết trong các vấn đề như biến đổi khí hậu, chủ nghĩa bảo hộ và quan hệ với Nga.
4. Vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại ngay trong tòa nhà Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Thổ Nhĩ Kỳ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Những thừa nhận của Saudi Arabia đã dẫn tới một số động thái cô lập Riyadh của một số nước về mặt ngoại giao.
5. Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tháng 11/2018 tại Buenos Aires (Argentina) được xem là hội nghị đa phương thành công nhất trong năm nay khi các nhà lãnh đạo thế giới cùng nhất trí một bản tuyên bố chung về cải tổ thương mại toàn cầu. Đặc biệt, tại một cuộc gặp bên lề, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ trịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký "thỏa thuận đình chiến" đem lại một sự giải tỏa khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ tạm dừng trong ngắn hạn.