Một số người lạc quan rằng việc ông Donald Trump tái đắc cử sẽ giải quyết được những thách thức và lo ngại về an ninh trong khu vực. Nhiều quốc gia Vùng Vịnh coi nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của ông Trump là giải pháp tiềm năng giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực. Tuy nhiên, một số còn lại bày tỏ lo ngại khi sẽ không có gì khác biệt hoặc tình hình có thể tồi tệ hơn.
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Gateway Gulf ở Bahrain vài ngày trước cuộc bầu cử Mỹ, Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế quốc gia Bahrain, Salman bin Khalifa Al Khalifa nêu bật lịch sử hợp tác lâu dài giữa Bahrain và Mỹ khi đã thiết lập hiệp định thương mại tự do và hợp tác quân sự chiến lược từ cuối Chiến tranh thế giới thứ II.
Cũng tại diễn đàn trên, Bộ trưởng Đầu tư Saudi Arabia Khalid A. Al-Falih nhận xét: “Mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Mỹ luôn ổn định và phát triển. Bất kể chính quyền Mỹ nào nắm quyền, chúng tôi đều có các thỏa thuận và mối quan hệ chiến lược mạnh mẽ kéo dài nhiều thập kỷ.”
Theo một quan chức giấu tên, "tất cả các nước vùng Vịnh đều muốn làm việc với ông Trump” vì ông Trump là người “rất thẳng thắn và không có gì phải che giấu”, “khi ông ấy nói thẳng thắn, bạn có thể đạt được thỏa thuận với ông ấy”.
Nhiều chuyên gia trong thế giới Arab dự đoán rằng chính sách của ông Trump sẽ chấm dứt giao tranh trong cuộc chiến giữa Israel với các lực lượng tại Dải Gaza, Liban và góp phần giúp khu vực phục hồi kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu mỏ.
Thế giới Arab mong đợi ông Trump sẽ mở rộng Hiệp định Abraham - thỏa thuận bình thường hóa quan hệ được ký kết giữa Israel và 4 quốc gia Arab trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Chính trị gia Iraq Bassem Al-Khazraji cho biết: “Bây giờ chúng ta sẽ thấy sự kết thúc của cuộc đổ máu ở Trung Đông… Bước đầu tiên là sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant - điều sẽ chấm dứt cuộc xung đột này ở Palestine, Liban, Israel, Syria và thậm chí cả Iran và Iraq.”
Ông Al-Khazraji nhận định "một số cuộc không kích" có thể tiếp tục nhằm làm suy yếu Iran, sau đó toàn bộ cuộc xung đột sẽ kết thúc. "Chính quyền Trump sau đó sẽ bắt đầu giai đoạn tái thiết, và Hiệp định Abraham sẽ mở rộng với một số quốc gia, bao gồm các quốc gia vùng Vịnh và Arab. Nhưng Iraq, Kuwait và Algeria có thể là những quốc gia cuối cùng ký các thỏa thuận này, và chúng ta có thể thấy tuyên bố về Nhà nước Palestine với thủ đô là Đông Jerusalem ".
Nhà báo người Saudi Arabia Al-Muqhim bày tỏ sự tin tưởng rằng chính quyền Tổng thống Trump sẽ chấm dứt "tất cả những cuộc chiến tranh và xung đột này". Ông dự đoán, “trong hai tháng tới, chúng ta sẽ thấy chiến tranh chấm dứt ở Dải Gaza và Liban”.
Nhà báo người Jordan Omar Kaabneh nhận định ông Trump sẽ thúc đẩy thành lập Nhà nước Palestine - nhưng chỉ sau khi loại bỏ Hamas và các nhóm kháng chiến khác. Ông dự đoán rằng Israel sẽ cố gắng leo thang xung đột trong những tháng trước khi ông Trump nhậm chức.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, Iran và lực lượng dân quân Iraq đồng minh lại bày tỏ lo ngại về khả năng Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt. Iran đã công khai bác bỏ tầm quan trọng của kết quả bầu cử Mỹ. Các phương tiện truyền thông nhà nước Iran đưa dẫn lời người phát ngôn của chính phủ Fatemeh Mohajerani cho biết "không có sự khác biệt lớn" giữa các ứng cử viên. "Các chính sách chung của Mỹ và Iran không thay đổi" sau cuộc bầu cử.
Các lực lượng dân quân và phe phái chính trị được Iran hậu thuẫn ở Iraq tuyên bố ông Trump "bị truy nã" vì vai trò trong việc ra lệnh ám sát chỉ huy Lực lượng Quds của Iran Qasem Soleimani và Phó chỉ huy lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi thân Iran vào năm 2020. Các lực lượng dân quân Iraq cũng cảnh báo rằng những người ăn mừng chiến thắng của ông Trump sẽ phải đối mặt với hình phạt.