Phát biểu ngày 21/9 tại phiên họp cấp cao kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc (LHQ), Chủ tịch Ủy ban Kinh tế và Xã hội LHQ (ECOSOC) Munir Akram cho biết đại dịch COVID-19 đã phơi bày thực tế bất bình đẳng giữa và ngay trong các quốc gia, và những nước nghèo nhất càng phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, những quốc gia giàu có hơn đã huy động được 11.000 tỷ USD, trong khi các nước đang phát triển vẫn đang chật vật tìm kiếm thậm chí một phần rất nhỏ các nguồn lực mà họ cần. Do đó, để giải quyết những thách thức nêu trên đòi hỏi quyết tâm và hành động tập thể. Trong năm làm Chủ tịch ECOSOC, Pakistan sẽ tập trung các bước đi thực chất và hành động cụ thể để vượt qua những thách thức trên, bao gồm huy động các nguồn tài chính, mở rộng đầu tư vào các cơ sở hạ tầng bền vững, cũng như ứng dụng và thu hút công nghệ mới.
Ông Akram cũng lưu ý cần phải đảm bảo vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19, một khi được phát triển thành công, sẽ được cung cấp cho tất cả mọi người dân ở mọi nơi với giá cả phải chăng, không có sự phân biệt đối xử. Điều này đòi hỏi sự hợp tác quốc tế ở cấp độ "chưa từng có", và sự hợp tác như vậy chỉ có thể được thúc đẩy bên trong LHQ, cũng như các cơ quan của tổ chức này. Ông Akram đồng thời cảnh báo nguy cơ xói mòn các tổ chức được lập nên để gìn giữ hòa bình và thúc đẩy thịnh vượng, trong đó có cả LHQ, do đó tất cả các nước thành viên cần đưa ra cam kết "đảo ngược tiến trình này".
Với chủ đề "Tương lai mà chúng ta mong muốn, LHQ mà chúng ta cần: tái khẳng định cam kết chung đối với chủ nghĩa đa phương", cuộc họp cấp cao lần này tập trung vào các chủ đề tăng cường hợp tác đa phương nhằm đối phó với các thách thức chung. Tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp đã nhấn mạnh rằng các thách thức mà thế giới đang phải đối mặt có mối liên hệ với nhau và chỉ có thể được giải quyết thông qua hợp tác đa phương, vốn đóng vai trò cần thiết trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực tái thiết một thế giới công bằng hơn, có sức chống chịu tốt hơn và bền vững hơn.