Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố nước này sẽ duy trì đóng cửa cho đến khi hoàn tất chiến dịch chủng vaccine cho 4 nhóm dễ bị tổn thương: Người sống trong trại dưỡng lão và số chăm sóc họ, công dân trên 70 tuổi, các nhân viên y tế, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch và cuối cùng là những người đặc biệt dễ nhiễm bệnh do yếu tố lâm sàng.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, tốc độ chủng ngừa sẽ phải đẩy rất nhanh. Bởi 4 nhóm đối tượng này tương đương với khoảng 13,9 triệu người. Kể từ khi khởi động tiêm chủng vào hôm 8/12 đến ngày 27/12, mới chỉ có khoảng 800.000 người Anh được chủng ngừa vaccine. Với việc vaccine của AstraZeneca lần đầu tiên được đưa vào tiêm chủng hôm 4/1, Anh hy vọng sẽ đẩy nhanh được tiến độ, bởi đây là mẫu vaccine không cần điều kiện bảo quản chặt chẽ như của Pfizer hay Moderna.
Tốc độ tiêm chủng ở Anh tuy chậm nhưng vẫn còn vượt xa nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU), nơi mà chiến dịch tiêm vaccine chỉ mới được khởi động vào dịp Giáng sinh vừa qua. Dữ liệu từ 19 nước – trong đó có cả Đức, Pháp, Itay, trên tổng số 27 nước thành viên EU cho thấy mới chỉ có khoảng 500.000 công dân được tiêm ngừa.
Tại Đức, nới mà các biện pháp đóng cửa dự kiện được kéo dài hết tháng 1, mới có khoảng 265.000 người được tiêm ngừa. Tại Italy, tính đến ngày 4/1, con số này là 151.606 người. Tình hình tại Pháp còn tệ hơn, khi mà tuần trước chỉ có 500 người được tiêm ngừa.
Mỹ, tâm dịch lớn nhất thế giới, cũng trong tình cảnh tương tự, khi tỉ lệ tiêm phòng trên tổng dân số kém xa mục tiêu đề ra. Đến nay, có khoảng 4,5 triệu người Mỹ được tiêm ngừa, trong khi giới chức chính quyền liên bang trước đó khẳng định hết tháng 12/2020 phải tiêm chủng được cho khoảng 20 triệu dân.