Chỉ trong một thời gian ngắn, thế giới đã tìm ra các loại vaccine hiệu quả có thể bảo vệ con người khỏi diễn tiến nặng khi mắc COVID-19, song các nhà sản xuất và phòng thí nghiệm vẫn đang nghiên cứu và tìm kiếm mọi giải pháp để có thể tạo ra một loại vaccine thế hệ mới vừa có thể bảo vệ con người khỏi nguy cơ bị bệnh nặng, vừa tạo ra hàng rào bảo vệ hiệu quả hơn đối với sự lây nhiễm của các biến thể, cũng như đối phó với sự suy giảm dần khả năng miễn dịch của vaccine.
Phóng viên TTXVN tại Pháp dẫn bài viết đăng trên báo Le Monde cho biết hàng chục nhóm các nhà khoa học đang nỗ lực phát triển những loại vaccine mới. Tháng 1 vừa qua, Pfizer/BioNTech thông báo đang nghiên cứu phát triển một loại vaccine nhắm mục tiêu cụ thể vào biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Loại vaccine được tạo ra theo công nghệ mRNA giúp dễ dàng điều chỉnh thích hợp kháng nguyên - tín hiệu sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch. Giới chức hãng dược phẩm BioNTech cho biết loại vaccine mới này, dự kiến được sử dụng như một liều tăng cường, sẽ được gửi cho các cơ quan chức năng đánh giá vào cuối tháng 3 tới để được cấp phép vào tháng 5. Các hãng Moderna, Johnson & Johnson và AstraZeneca cũng đang theo đuổi đích đến này cùng Pfizer/BioNTech.
Tuy vậy, bà Marie-Paule Kieny, Giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu sức khỏe và y tế quốc gia Pháp (INSERM) kiêm Chủ tịch Ủy ban vaccine COVID-19 tỏ ra hoài nghi về giải pháp này, bởi chưa ai có thể chắc chắn về biến thể tiếp theo của virus SARS-CoV-2. Vì chưa thể đoán trước được các biến thể tương lai nên các nhà sản xuất đang phát triển các loại vaccine đơn trị khác nhau, mỗi loại tập trung vào một trong những biến thể nổi trội đã biết của SARS-CoV-2, trong đó có Alpha, Beta, Delta, Omicron.
Nhìn chung, các nhà sản xuất đều đang nhằm mục tiêu tạo ra vaccine có thể tấn công thẳng vào thành phần mà giới khoa học gọi là “trái tim của virus” là nucleocapsid (bao gồm vật chất di truyền RNA của virus và protein N) được bảo vệ bởi lớp vỏ protein S bên ngoài, thay vì nhắm mục tiêu là các protein gai như trước. Tại Pháp, công ty công nghệ sinh học Osivax, có trụ sở tại Lyon, đã dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu về bệnh cúm để phát triển một loại vaccine dựa trên các protein tái tổ hợp nhắm vào thành phần nói trên. Đại diện Osinax cho biết : "Các thử nghiệm tiền lâm sàng rất đáng khích lệ. Phản ứng T phổ rộng mà chúng tôi tạo ra giúp chúng tôi có thể nhắm đến các biến thể khác nhau hiện nay và các biến thể có nhiều khả năng xuất hiện trong tương lai".
Ngoài việc phát triển vaccine đường tiêm, các nhà nghiên cứu còn hướng tới việc tìm ra loại vaccine ngừa COVID-19 dưới dạng xịt qua đường mũi.
Hệ hô hấp trên, cổ họng và đặc biệt là mũi, là cửa ngõ để virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể. Giáo sư miễn dịch học tại Bệnh viện Đại học Saint-Etienne và là thành viên của Ủy ban vaccine COVID-19 của Pháp, ông Stéphane Paul, cho rằng về mặt lý thuyết, để ngăn ngừa nhiễm khuẩn, cần tạo ra kháng thể trong màng nhầy của mũi và họng. Do đó, vaccine dạng xịt mũi đang trở thành một hướng nghiên cứu mới. Hiện có khoảng 20 thử nghiệm lâm sàng đã được bắt đầu trên thế giới. Ở Pháp, một số nhóm đang đi theo hướng này đã hoàn thành các thử nghiệm tiền lâm sàng mà họ cho là rất hứa hẹn.