Hãng tin Bloomberg (Mỹ) cho biết điều này dẫn đến vấn đề mới với các nhà sản xuất vaccine địa phương, từ Ấn Độ cho đến Indonesia, khi họ tạo dựng năng lực sản xuất quy mô nhưng hiện rơi vào tình trạng thừa nguồn cung.
Ngay cả ở thời điểm thế giới đang triển khai tiêm mũi vaccine COVID-19 bổ sung, thì tình trạng khan hiếm từng xảy ra nay đã thuyên giảm. Thậm chí còn có khả năng xảy ra tình trạng thừa vaccine toàn cầu. Ông Scott Rosenstein, cố vấn của công ty Eurasia Group (Mỹ) đánh giá: “Nguồn cung đang vượt quá cầu ở nhiều nơi trên thế giới, ngay cả khi nhiều nước đã triển khai tiêm mũi bổ sung”.
Số lượng vaccine COVID-19 được cho cần thiết cho những năm tới sẽ giảm so với những ngày đầu của đại dịch. Trong khi đó, ngày càng có nhiều nhà sản xuất bước vào thị trường vaccine COVID-19.
Trên toàn thế giới, đã có 11 tỷ liều vaccine COVID-19 được phân phối, với số lượng sử dụng gia tăng ở những nghèo trước đó có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp. Nhưng theo nhận định được đưa ra vào tháng 1 của chương trình chia sẻ vaccine phòng COVID-19 toàn cầu COVAX, sau giai đoạn khan hiếm vaccine COVID-19 trong năm 2021, nguồn cung vaccine hiện đang vượt cầu. Những thách thức chính hiện nay là việc đưa vaccine COVID-19 đến châu Phi với khó khăn về phân phối, năng lực tiêu thụ.
Dự kiến riêng trong năm 2022 sẽ có 9 tỷ liều vaccine COVID-19 được sản xuất. Tuy nhiên, các nhà phân tích tại công ty Airfinity (Anh) cho rằng nhu cầu về vaccine COVID-19 vào năm 2023 được cho sẽ giảm xuống chỉ còn 2,2 tỷ liều đến 4,4 tỷ liều mỗi năm.
Doanh thu từ vaccine COVID-19 của AstraZeneca được dự đoán sẽ giảm trong năm 2022 sau khi đạt mức 4 tỷ USD năm 2021. Pfizer đã thu về 36,8 tỷ USD từ vaccine COVID-19 trong năm 2021 và đến tháng 2 vừa qua công ty Mỹ này thừa nhận chỉ dự đoán đạt doanh thu 32 tỷ USD trong năm 2022. Pfizer đưa ra dự đoán dựa trên các hợp đồng được ký kết vào cuối tháng 1.
Trong khi đó, nguồn cung vaccine COVID-19 vẫn theo đà tăng. Vấn đề đặc biệt thấy rõ ở Ấn Độ, nơi sở hữu nền công nghiệp vaccine lớn nhất thế giới. Hầu hết dân số trưởng thành của Ấn Độ đã tiêm đủ vaccine và chính phủ nước này không mấy vội vã trong việc mở rộng chương trình tiêm mũi bổ sung.
Nhà sản xuất Biological E tại thành phố Hyderabad (Ấn Độ) đã đầu tư 195 triệu USD để tăng gấp đôi năng lực sản xuất lên 4 triệu liều vaccine mỗi ngày. Vaccine phòng COVID-19 của Biological E có tên Corbevax đã được thông qua sử dụng khẩn cấp cho thiếu niên từ 12-18 tuổi vào tháng 2. Hiện chưa rõ sẽ có bao nhiêu liều vaccine Corbevax được mua, trong khi mới chỉ có 300 triệu liều được đảm bảo từ hợp đồng với New Delhi.
Biological E không phải là trường hợp duy nhất ở Ấn Độ, vaccine COVID-19 công nghệ DNA của Zydus Lifesciences cũng được thông qua vào cuối năm 2021 nhưng chính phủ Ấn Độ chỉ đặt hàng 10 triệu liều loại vaccine này. Trong tháng 2, một lãnh đạo của công ty Zydus Lifesciences cho biết vẫn “chưa chắc chắn” về các cơ hội xa hơn.
Bản thân Viện Serum, đơn vị sản xuất vaccine hàng đầu Ấn Độ, từng “ra lò” 2 tỷ liều vaccine COVID-19 trong năm 2021, đã phải tạm ngừng sản xuất trong tháng 12/2021 do thiếu đơn đặt hàng.
Nhiều nhà sản xuất vaccine khác tại Ấn Độ đang tìm kiếm cơ hội mới thay vì chỉ tập trung vào vaccine COVID-19. Chủ tịch của công ty Biocon- Kiran Mazumdar Shaw cho biết có nhiều cơ hội quan trọng với vaccine cúm, vaccine phế cầu khuẩn…
Tại nhiều nơi trên thế giới, một số nhà sản xuất vaccine cũng thay đổi chiến lược. Công ty Kalbe Farma (Indonesia) đã ngừng sản xuất vaccine COVID-19 hợp tác với doanh nghiệp Hàn Quốc từ tháng 3 với lý do nguồn cung đã thừa. Kalbe Farma hiện dướng đến sử dụng công nghệ DNA để sản xuất những loại vaccine khác.
Chủ tịch bộ phận vaccine của công ty Nhật Bản Takeda Pharmaceutical-ông Gary Dubin đánh giá COVID-19 có khả năng trở thành bệnh đặc hữu. Ông Gary Dubin cho rằng câu hỏi đặt ra là liệu liều vaccine bổ sung là cần thiết hay không và khả năng xuất hiện biến thể mới có thể “nhanh chóng thay đổi tình hình”.