Cụ thể, tính đến 16h30 (theo giờ Việt Nam), trên toàn thế giới có 5.604.697 ca mắc COVID-19, trong đó có 348.237 ca tử vong, trong đó số ca tử vong riêng tại Mỹ là 99.805 trường hợp.
Tại khu vực Đông Nam Á, trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình ngày 25/5, Tổng thống Phillipines Rodrigo Duterte cho biết ông sẽ không cho phép học sinh quay trở lại trường học khi chưa có vaccine phòng COVID-19.
Theo dự kiến, hơn 25 triệu học sinh cấp 1 và cấp 2 nước này sẽ quay trở lại trường vào cuối tháng 8 sau khi các biện pháp phong tỏa nhằm khống chế dịch COVID-19 lây lan được áp dụng buộc trường học phải đóng cửa kể từ tháng 3.
Tổng thống Duterte cho rằng việc mở cửa lại trường học là quá mạo hiểm. Ông nhấn mạnh: "Đối với tôi, vaccine là biện pháp an toàn đầu tiên. Nếu vaccine có ở đây, thì tôi sẽ đồng ý".
Mặc dù các nhà nghiên cứu trên toàn cầu đang đẩy nhanh nỗ lực phát triển vaccine nhanh nhất có thể, nhưng đến nay vẫn chưa có một loại vaccine nào chứng tỏ được tiềm răng rõ ràng và khả năng áp dụng trên diện rộng.
Để đảm bảo việc học của học sinh khi trường học đóng cửa, Bộ giáo dục nước này đã kết học các biện pháp học từ xa, bao gồm học trực tuyến và biện pháp này có thể sẽ tiếp tục được áp dụng trong năm học tới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho giới chức giáo dục Philippines là nhiều triệu người dân nước này đang sống trong cảnh đói nghèo, không có máy tính tại nhà do vậy không thể đảm bảo việc học trực tuyến cho con trẻ.
Theo Bộ Y tế Philippines, tính đến chiều 26/5, nước này ghi nhận thêm 350 ca nhiễm mới, 13 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này lên 14.669 người với 886 người tử vong.
Cũng trong ngày 26/5, Chính phủ Singapore công bố gói kích cầu kinh tế trị giá nhiều tỷ USD lần thứ 4 trong vài tháng qua nhằm giảm nhẹ thiệt hại kinh tế do dịch COVID-19 gây ra đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình tại nước này.
Theo Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat, gói kích cầu mới này tập trung vào tạo việc làm trị giá 23,22 tỷ USD (33 tỷ đôla Singapore) trong bối cảnh nước này đang giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 và đối mặt với cuộc suy thoái mạnh nhất trong lịch sử nước này.
Theo công bố của Bộ Y tế Singapore, tính đến ngày 26/5, nước này ghi nhận thêm 3 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 lên 32.343 ca. Cũng theo Bộ này, nguyên nhân số ca ghi nhận nhiễm mới giảm xuống do số lượng xét nghiệm virus trong ngày 26/5 được tiến hành ít hơn.
Còn tại Thái Lan, theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Nội các Thái Lan ngày 26/5 đã quyết định kéo dài Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp cho tới cuối tháng 6 theo đề xuất của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC).
Trước đó, Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) cũng đã đồng ý với đề xuất của NSC với lý do là để ứng phó với những tiến triển của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu và cho phép chuẩn bị giai đoạn nới lỏng phong tỏa tiếp theo từ đầu tháng tới.
Theo kế hoạch, một ủy ban do Tổng thư ký NSC Somsak Rungsita chủ trì sẽ họp vào ngày 27/5 để thảo luận về giai đoạn 3 nới lỏng các biện pháp phong tỏa cũng như xem xét khả năng giảm thời gian giới nghiêm thêm 1 tiếng, từ nửa đêm tới 4h sáng hôm sau, thay vì từ 23h như hiện nay.
Chính phủ Thái Lan đã lên kế hoạch cho 4 giai đoạn nới lỏng phong tỏa, dự kiến kéo dài trong vòng 2 tháng, để hoàn toàn mở lại các hoạt động với điều kiện kiểm soát được số ca mắc COVID-19 mới. Giai đoạn một của tiến trình nới lỏng phong tỏa bắt đầu từ ngày 3/5 và giai đoạn hai bắt đầu từ ngày 17/5. Giai đoạn 3 nới lỏng phong tỏa dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 1/6.
Kết quả của cuộc họp ngày 27/5 sẽ được trình lên CCSA vào ngày 29/5 và những hướng dẫn dành cho kinh doanh và hoạt động trong giai đoạn 3 sẽ được công bố vào ngày 30/5.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Thái Lan đến nay đã có những diễn biến tích cực. Trong tháng này, Thái Lan đã có 4 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong vòng 24 giờ. Trong ngày 26/5, Thái Lan xác nhận thêm 3 ca COVID-19, nhưng đều là những công dân hồi hương từ nước ngoài và đã được cách ly khi về nước. Như vậy, quốc gia Đông Nam Á này cho tới nay đã ghi nhận tổng cộng 3.045 ca COVID-19, trong đó 2.929 bệnh nhân đã bình phục, 59 bệnh nhân vẫn đang được điều trị tại bệnh viện và 57 người tử vong.
Theo phóng viên TTXVN tại Malaysia, Chính phủ Malaysia sẽ trục xuất khỏi nước này những người nhập cư bất hợp pháp không bị nhiễm COVID-19.
Phát biểu với báo giới ngày 26/5, Bộ trưởng cấp cao Ismail Sabri Yaakob cho hay, trước mắt Malaysia sẽ tiến hành kiểm tra COVID-19 cho tất cả những người nhập cư bất hợp pháp. Sau đó, những ai có kết quả âm tính sẽ được hồi hương. Quyết định nói trên được đưa ra trong buổi họp cùng ngày của các Bộ ngành liên quan, bao gồm Bộ Nội vụ. Malaysia sẽ liên hệ với đại sứ quán các nước tại Malaysia để phối hợp đưa công dân của mình về nước. Cuộc họp cũng thống nhất sẽ bố trí 3 địa điểm có tổng sức chứa 1.400 người làm nơi tiếp nhận và điều trị cho những người nhập cư dương tính với virus corona chủng mới.
Trước đó, Bộ Y tế Malaysia cho biết, đã có 227 ca dương tính với COVID-19 được ghi nhận sau khi cơ quan này tiến hành xét nghiệm cho hàng ngàn người nhập cư bất hợp pháp nước ngoài đang bị giam giữ tại 3 trại tạm giam ở bang Selangor và thủ đô Kuala Lumpur. Trong số đó, có 53 trường hợp là công dân Bangladesh, 41 ca là công dân Ấn Độ, ca là người Indonesia…. Không có trường hợp nào là công dân Việt Nam. Cũng theo Bộ này, số ca dương tính với COVID-19 trong số những người nhập cư trái phép đang bị giam giữ tại Malaysia sẽ tăng lên trong những ngày tới sau khi có thêm kết quả xét nghiệm được công bố.
Tại Indonesia, theo số liệu công bố của Bộ Y tế nước này, tính đến chiều 26/5, đã có thêm 415 ca nhiễm mới COVID-19 được phát hiện ở nước này, nâng tổng số ca nhiễm tại Indonesia lên 23.165 ca, trong đó số ca tử vong là 1.418 trường hợp.