Số ca bình phục được ghi nhận nhiều nhất tại Mỹ, trên 34,3 triệu ca trong số trên 44,8 triệu ca nhiễm. Con số này cũng gần tương đương tại Ấn Độ (trên 33,2 triệu ca bình phục), trong khi đó ở Brazil là trên 20,5 triệu ca bình phục trong số trên 21,5 triệu ca nhiễm.
Châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nhất với 76.696.050 ca nhiễm, trong đó có 1.133.437 ca tử vong. Châu Âu đứng thứ hai với 59.895.113 ca nhiễm và 1.237.628 ca tử vong. Các số liệu tương tự ở Bắc Mỹ lần lượt là trên 54 triệu ca nhiễm và trên 1 triệu ca tử vong, ở Nam Mỹ là trên 37,9 triệu ca nhiễm và trên 1,1 triệu ca tử vong. Châu Phi ít bị ảnh hưởng hơn, với trên 8,7 triệu ca nhiễm và 213.472 ca tử vong.
Tại châu Á, Bộ Y tế Campuchia ngày 7/10 cho biết số ca mắc mới trong 7 ngày liên tiếp đầu tháng 10 này đã giảm còn khoảng 200 ca/ngày, so với mức 800 ca/ngày ghi nhận trong 7 ngày cuối tháng 9 vừa qua. Đây có thể được xem là dấu hiệu cho thấy cuộc sống đang dần trở lại bình thường ở nước này. Tuy nhiên, Campuchia cũng đang đối mặt với khả năng số ca mắc mới COVID-19 tăng đột biến sau kỳ nghỉ Lễ Pchum Ben kết thúc ngày 7/10 khi hàng trăm nghìn người đổ về các khu du lịch trong 3 ngày nghỉ lễ chính thức. Những hình ảnh người dân tụ tập rất đông tại các bãi biển, khu du lịch sinh thái và các điểm du lịch phổ biến ở Campuchia khiến giới chức y tế lo ngại nguy cơ lây lan dịch bệnh sau kỳ nghỉ lễ.
Cùng ngày, Bộ Y tế Lào thông báo ghi nhận 414 ca mắc mới, trong đó có tới 404 ca cộng đồng. Số ca lây nhiễm cộng đồng trong một ngày tại thủ đô Viêng Chăn có xu hướng giảm và chỉ ghi nhận 146 ca, trong khi tỉnh Luang Prabang lại ghi nhận số ca tăng cao với 143 ca. Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn diễn biến phức tạp. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 26.876 ca, trong đó có 23 ca tử vong.
Nhằm đưa đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, Lào bắt đầu cho phép các nhà máy may đáp ứng đủ tiêu chuẩn phòng dịch COVID-19 hoạt động trở lại, theo đó, những nhà máy này phải được Ủy ban chuyên trách quốc gia đánh giá về công tác phòng ngừa dịch bệnh và mức độ rủi ro lây nhiễm dịch COVID-19 trước khi mở cửa hoạt động trở lại. Các nhà máy trong vùng đỏ muốn hoạt động lại phải có khu ký túc xá cho người lao động ngay trong khuôn viên nhà máy.
Trong khi đó, Malaysia đang áp dụng các quy định linh hoạt trong việc cấp phép nhập cảnh. Chính phủ nước này dựa trên 6 yếu tố để cấp phép cho người nước ngoài nhập cảnh, gồm số ca mắc COVID-19 trong 14 ngày tại quốc gia của người xin nhập cảnh; tỷ lệ mắc COVID-19 tính trên một triệu dân; tỷ lệ tử vong trên một triệu dân; tỷ lệ tử vong tích lũy; chỉ số phục hồi và tổng số ca nhiễm tại các quốc gia tương ứng. Nếu con số ca mắc mới COVID-19 tăng đột biến tại quốc gia của người xin nhập cảnh, Malaysia có thể sẽ điều chỉnh chính sách từ cho phép nhập cảnh sang không cho phép nhập cảnh. Ở thời điểm hiện tại, Malaysia chỉ cho phép những người đã hoàn thành tiêm chủng nhập cảnh nhưng vẫn chưa cho phép khách du lịch nhập cảnh. Chính phủ sẽ quyết định mở cửa biên giới sau khi tham vấn với Bộ Y tế dựa trên những đánh giá rủi ro.
Về phần mình, Indonesia cũng cân nhắc điều chỉnh giảm thời gian cách ly đối khách du lịch nước ngoài từ 8 ngày xuống còn 5 ngày.
Tại Ấn Độ, Bộ Nội vụ thông báo sẽ bắt đầu mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài nhập cảnh thông qua các chuyến bay thuê bao từ ngày 15/10 tới, sau hơn 1 năm đóng cửa do đại dịch COVID-19. Thông cáo của bộ trên cho biết: "Sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, bộ đã quyết định bắt đầu cấp Thị thực Du lịch mới cho khách nước ngoài đến Ấn Độ thông qua các chuyến bay thuê bao từ ngày 15/10". Thông cáo cũng nêu rõ khách nhập cảnh Ấn Độ trên các chuyến bay khác với máy bay thuê bao sẽ chỉ được phép nhập cảnh từ ngày 15/11. Khách du lịch nước ngoài và các hãng hàng không vận chuyển họ đến Ấn Độ đều phải tuân thủ tất cả các quy định và chuẩn mực liên quan đến phòng dịch COVID-19 của Bộ Y tế liên bang.
Chính phủ Israel ngày 7/10 quyết định nới lỏng một số hạn chế xã hội liên quan đến phòng dịch. Cụ thể, tại các địa điểm công cộng ngoài trời như quán ăn, bể bơi, quán cà phê... người dân sẽ không phải trình giấy chứng nhận đã tiêm vaccine. Các địa điểm công cộng trong nhà như thư viện, rạp chiếu phim, viện bảo tàng sẽ không yêu cầu trình “Thẻ Xanh” - giấy chứng nhận miễn dịch với COVID-19 dành cho những người đã tiêm phòng hoặc miễn dịch đầy đủ. Số liệu mới nhất của Bộ Y tế Israel cho thấy đến nay đã có trên 3,67 triệu người dân được tiêm bổ sung mũi vaccine thứ 3 và 5,67 triệu người được tiêm mũi thứ 2. Số ca bệnh nặng giảm còn 487 ca, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 8. Trong số các ca nhiễm, có tới 75% là người chưa được tiêm phòng vaccine.
Tại Australia, bang New South Wales đã từng bước dỡ bỏ phong tỏa. một ngày sau khi New South Wales trở thành địa phương đầu tiên ở Australia đạt mốc tiêm chủng đầy đủ 70%. Chính quyền bang đã công bố một loạt quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 11/10 tới theo lộ trình nới lỏng các biện pháp phong tỏa phòng dịch COVID-19.
Tân Thủ hiến bang Dominic Perrottet nêu rõ từ đầu tuần tới, các quán rượu, cửa hàng ăn uống, cửa hàng bán lẻ không thiết yếu sẽ được mở cửa trở lại với điều kiện phải bảo đảm các quy định về giãn cách xã hội và phải chịu trách nhiệm kiểm tra tình trạng tiêm chủng của khách. Các quy định mới cũng sẽ nới lỏng hạn chế đối với người dân đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Ngoài ra, từ ngày 18/10, học sinh mẫu giáo, lớp 1 và lớp 12 ở bang sẽ trở lại học trực tiếp. Tất cả học sinh ở các khu vực đang bị phong tỏa cũng sẽ trở lại học ở trường một tuần sau đó. Chính quyền bang cho biết một loạt biện pháp an toàn phòng ngừa COVID sẽ được áp dụng tại các trường học, trong đó có quy định giáo viên phải đeo khẩu trang khi lên lớp.
Tại châu Mỹ, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cho biết số ca mắc COVID-19 có xu hướng giảm trong tháng vừa qua bất chấp thực tế rằng chỉ có 37% dân số Mỹ Latinh và Caribe đã hoàn tất phác đồ tiêm vaccine ngừa căn bệnh này. Theo số liệu thống kê của PAHO, trong tuần qua, khu vực châu Mỹ ghi nhận 1,2 triệu ca mắc COVID-19 mới, giảm so với mức 1,5 triệu ca của tuần trước đó. Bang Alaska là nơi đang bùng phát đợt lây lan mới nghiêm trọng nhất tại Mỹ, trong khi Mexico cũng thông báo có sự gia tăng số ca nhiễm mới. Ở chiều ngược lại, hầu hết các nước Nam Mỹ đều đã hạn chế được số ca nhiễm mới.
PAHO cũng thông báo về việc đạt được thỏa thuận với các tập đoàn Sinovac và AstraZeneca để tiếp nhận và phân bổ 8,5 triệu liều vaccine trong năm nay cho các nước trong khu vực. Một số nước như Jamaica, Nicaragua và Haiti vẫn chưa thể đạt được mục tiêu tiêm vaccine cho 10% dân số. Giám đốc PAHO Carissa Etienne khẳng định mục tiêu của tổ chức này là tập trung thu hẹp khoảng cách trong việc tiêm vaccine giữa các nước trong thời gian sớm nhất có thể. Theo thông tin mới nhất, Chính phủ Argentina đã quyết định dỡ bỏ tất cả các hạn chế nhập cảnh từ nước ngoài bằng đường hàng không kể từ ngày 19/10 tới, sau khi ghi nhận 50% dân số đã hoàn tất phác đồ tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Chính phủ Argentina đã lên kế hoạch cho phép 4.000 hành khách nhập cảnh vào nước này mỗi ngày kể từ ngày 11/10. Trước đó, cuối tháng 9 vừa qua, Chính phủ Argentina đã quyết định mở trở lại các cửa khẩu biên giới và cho phép người từ các nước có chung đường biên giới được nhập cảnh mà không phải thực hiện các biện pháp cách ly bắt buộc.
Cùng ngày, Chính phủ Brazil tuyên bố bãi bỏ việc tạm ngừng các chuyến bay từ Anh, Nam Phi và Ấn Độ đến nước này. Tuy nhiên, Brazil vẫn duy trì quy định cấm người nước ngoài nhập cảnh bằng đường bộ, ngoại trừ thân nhân của người mang quốc tịch Brazil hoặc những trường hợp liên quan đến vấn đề nhân đạo. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh hơn 70% dân số Brazil đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và khoảng 45% đã tiêm phòng đầy đủ.
Tại châu Âu, Anh là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất, hiện số ca nhiễm đã vượt quá 8 triệu, trong đó có 137.295 ca tử vong. Nga tuy đứng thứ hai về số ca nhiễm (hơn 7,6 triệu ca) nhưng đứng đầu châu lục về số ca tử vong (213.549 ca). Trong 24 giờ qua, trên toàn nước Nga ghi nhận 27.550 ca mắc mới, mức cao nhất trong ngày được ghi nhận kể từ ngày 31/12/2020. Pháp đứng thứ ba về cả số ca nhiễm (hơn 7 triệu ca) và số ca tử vong (116.957 ca). Ba nước Tây Ban Nha, Italy và Đức đều đã ghi nhận trên 4,2 triệu ca nhiễm, trong khi số ca nhiễm tại Ba Lan, Ukraine và Hà Lan đều đã hơn 2 triệu ca.
Ngày 7/10, Hungary đề nghị hỗ trợ Romania chống dịch giữa lúc Bucharest đang đối diện với sức ép lớn do số ca nhiễm mới tăng cao và thiếu giường bệnh. Bộ Ngoại giao Hungary ngày 7/10 ra thông báo cho biết Ngoại trưởng Peter Szijjarto đã đưa ra lời đề nghị hỗ trợ của Hungary nhằm giúp Romania chữa trị bệnh nhân mắc COVID-19.
Cùng ngày 7/10, Italy xác nhận hiệu quả ổn định phòng COVID-19 của vaccine mRNA. Kết quả báo cáo được Viện Y tế quốc gia (ISS) và Bộ Y tế Italy công bố ngày 6/10 cho thấy ở đa số những người được tiêm các loại vaccine mRNA, hiệu quả chống lại sự lây nhiễm sau 7 tháng được tiêm mũi thứ hai là 89%, trong khi hiệu quả bảo vệ khỏi tình trạng nhập viện và tử vong sau 6 tháng lần lượt là 96% và 99%. Báo cáo trên đã kiểm tra dữ liệu tính đến ngày 29/8 của hơn 29 triệu người dân Italy đã tiêm đủ liều vaccine mRNA, như các loại vaccine do Pfizer và Moderna sản xuất.
Theo báo cáo của ISS, với những người bị suy giảm miễn dịch, khả năng bảo vệ chống lại lây nhiễm giảm từ 28 ngày sau khi được tiêm mũi thứ hai, với mức giảm rất khác nhau, tùy theo bệnh khiến hệ thống miễn dịch suy giảm. Ở những người mắc đồng thời nhiều loại bệnh nhưng không bị suy giảm miễn dịch, mức độ bảo vệ khỏi lây nhiễm giảm từ 75% trong 28 ngày sau mũi thứ hai xuống 52% sau khoảng 7 tháng. ISS cho biết hiệu quả của vaccine ở những người trên 80 tuổi và những người ở viện dưỡng lão cũng giảm, nhưng vẫn ở mức trên 80%.
Tuy nhiên, cùng ngày, sau khi có báo cáo về các tác dụng phụ hiếm gặp có thể xảy ra, Đan Mạch và Thụy Điển đã tạm ngừng sử dụng vaccine sản xuất theo công nghệ mRNA của Moderna. Trong thông báo, Thụy Điển cho biết sẽ ngừng tiêm vaccine của Moderna đối với những người sinh sau năm 1991 sau khi dữ liệu cho thấy tình trạng viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim gia tăng ở những thanh niên đã được tiêm phòng. Theo cơ quan y tế Thụy Điển, mối liên hệ này đặc biệt rõ ràng đối với vaccine Spikevax của Moderna, đặc biệt là sau mũi tiêm thứ 2.
Trong khi đó, nhà chức trách Đan Mạch thông báo tất cả những người dưới 18 tuổi sẽ không được tiêm vaccine của Moderna. Những người đã tiêm mũi 1 vaccine của Moderna sẽ không tiêm mũi thứ 2 bằng vaccine này. Người phát ngôn của Moderna cho biết công ty này đã biết thông tin nhà chức trách Thụy Điển và Đan Mạch quyết định tạm dừng tiêm vaccine của hãng này cho thanh niên nguy cơ hiếm gặp của viêm cơ tim và hoặc viêm màng ngoài tim. Tuyên bố nêu rõ những người bị tác dụng phụ thường nhẹ và có xu hướng phục hồi trong một thời gian ngắn sau khi được điều trị và nghỉ ngơi.
Cũng liên quan đến vaccine, các hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) đã chính thức đệ trình hồ sơ lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để xin cấp phép tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của các hãng này cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng toàn cầu, Pfizer/BioNTech cho biết vaccine ngừa COVID-19 của họ an toàn và tạo ra phản ứng mạnh với những kháng thể trung hòa, qua đó giúp ngăn chặn virus SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào. Trong thử nghiệm này, trẻ em từ 5-11 tuổi được áp dụng cơ chế tiêm 2 liều 10 microgam, so với 30 microgam đối với các nhóm tuổi lớn hơn. Các mũi tiêm cách nhau 21 ngày.