Theo trang tin Salon.com, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt trong cuộc sống, biến thể siêu lây nhiễm Omicron đang tiếp tục phá vỡ các kỷ lục về khoa học. Nhiều nhà khoa học gần đây nhận định rằng biến thể Omicron có khả năng là virus lây lan mạnh nhất hoặc mạnh thứ hai mà nhân loại phải đối mặt, tùy thuộc vào các tiêu chí. Nếu xét về tốc độ lây lan trên phạm vi toàn cầu, biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 giữ ngôi vị "quán quân". Tuy nhiên, nếu được xét ở góc độ thời gian virus lây nhiễm giữa các bệnh nhân, thì virus gây bệnh sởi đã từng được chứng minh là loại virus có khả năng lây lan mạnh nhất.
Tiến sĩ William Schaffner, Giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ), cho biết virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 đang tiến gần tới danh hiệu virus có mức độ lây nhiễm mạnh nhất từng được ghi nhận, vốn đang thuộc về virus gây bệnh sởi. Trên thực tế, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước.
Ngày 28/1, Australia chứng kiến số ca tử vong vì COVID-19 tăng cao nhất từ trước đến nay với 98 ca, vượt mức kỷ lục 87 ca tử vong hai ngày trước đó. Tuy nhiên, số ca mắc mới là hơn 40.000 ca, mức thấp nhất trong gần một tháng. Giới chức y tế tại nhiều bang cho rằng số ca nhập viện có thể sẽ giảm khi làn sóng lây nhiễm hiện tại bắt đầu lắng dịu.
Do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron, số ca mắc mới COVID-19 tại Australia đã tăng vọt trong 4 tuần qua, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên hơn 2,46 triệu ca, trong đó có gần 3.500 ca tử vong. Tuy nhiên, số ca nhập viện vì COVID-19 trong những ngày gần đây duy trì ổn định ở mức khoảng 5.000 ca/ngày, làm dấy lên hy vọng rằng làn sóng dịch bệnh hiện tại có thể sẽ sớm đạt đỉnh.
Australia là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 cao nhất trên thế giới với hơn 93% dân số trưởng thành đã hoàn thành các liều cơ bản và gần 70% đã tiêm mũi tăng cường. Do tỷ lệ tiêm chủng cao, Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố nhiều khả năng nước này sẽ mở cửa hoàn toàn biên giới trong vài tháng tới, trước dịp nghỉ Lễ Phục sinh vào ngày 17/4. Hiện Chính phủ Australia đang cẩn trọng xem xét diễn biến tình hình dịch COVID-19 và tham vấn Ban cố vấn y tế quốc gia để đảm bảo an toàn cho người dân và khách du lịch nước ngoài.
Tương tự, dù Bộ Y tế Philippines (DOH) thông báo việc ghi nhận 18.6 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số ca mắc được xác nhận ở Philippines lên 3.511.491 ca, song để phục hồi ngành du lịch đang lao đao vì dịch bệnh, chính phủ quốc gia Đông Nam Á này đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với những hành khách nước ngoài đã tiêm vaccine phòng COVID-19. Bộ trưởng Du lịch Philippines, bà Romulo-Puyat, cho biết công dân của trên 150 quốc gia - trong đó có Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Canada và Anh, được miễn thị thực nhập cảnh vào Philippines sẽ được phép vào nước này. Bà cho hay việc cho phép nhập cảnh những hành khách đã tiêm chủng sẽ góp phần đáng kể vào nỗ lực giải quyết việc làm, đặc biệt tại các địa phương phụ thuộc vào du lịch, cũng như nỗ lực khôi phục hoạt động của các cơ sở kinh doanh.
Cùng với việc dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh, Chính phủ Philippines sẽ dỡ bỏ quy định cách ly đối với công dân trở về nước từ ngày 1/2 và với hành khách nước ngoài nhập cảnh từ ngày 10/2. Tuy nhiên, những người này vẫn phải đảm bảo đủ các điều kiện gồm giấy chứng nhận tiêm chủng và giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, Nhật Bản quyết định sẽ rút ngắn thêm thời gian cách ly đối với các trường hợp tiếp xúc gần với những người mắc COVID-19 từ 10 ngày hiện nay xuống còn 7 ngày, trong bối cảnh biến thể Omicron tiếp tục lây lan nhanh chóng tại nước này, khiến việc duy trì các hoạt động kinh tế và xã hội ngày càng khó khăn.
Theo Thủ tướng Kishida Fumio, đối với các lao động làm việc trong lĩnh vực thiết yếu, trong đó có cảnh sát, điều dưỡng, nhân viên chăm sóc trẻ em, thời gian cách ly sẽ giảm từ 6 ngày xuống còn 5 ngày và phải làm xét nghiệm sàng lọc COVID-19. Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra quyết định trên dựa trên ý kiến của giới chuyên gia và bằng chứng khoa học mới. Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc cân bằng giữa khống chế sự lây lan của dịch bệnh với duy trì hoạt động xã hội.
Trong 24 giờ qua, thủ đô Tokyo của Nhật Bản ghi nhận thêm 17.631 ca mắc COVID-19. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp số ca mắc mới tại Tokyo lên mức cao nhất từ trước đến nay. Cũng trong ngày 28/1, Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihiko Isozaki đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi biểu hiện các triệu chứng, trong đó có sốt.
Bộ Y tế Ukraine cho biết đã ghi nhận thêm 34.408 ca mắc COVID-19, vượt mức kỷ lục 32.393 ca ghi nhận một ngày trước đó. Ngoài ra, số ca tử vong vì dịch COVID-19 cũng tăng 144 ca lên 99.882 ca. Từ đầu dịch đến nay, Ukraine ghi nhận trên 3,98 triệu ca mắc COVID-19. Cơ quan y tế Ukraine trước đó dự báo nước này sẽ phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới của biến thể Omicron vào cuối tháng này và trong tháng 2 tới.
Từ đầu năm nay, Chính phủ Ukraine đã triển khai chiến dịch tiêm liều vaccine tăng cường ngừa COVID-19 cho người trưởng thành, sau khi phát hiện 2 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. Quốc gia 41 triệu dân này mới chỉ có 14,6 triệu người đã hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19 các liều cơ bản.