Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 79.520.665 ca mắc và 946.180 ca tử vong. Sau Mỹ là Ấn Độ với 42.692.943 ca mắc và 509.8 ca tử vong, Brazil với 27.541.131 ca mắc và 6.913 ca tử vong, Pháp với 21.735.302 ca mắc và 135.189 ca tử vong.
Tại Mỹ, chính quyền thành phố New York thông báo đã sa thải 1.430 nhân viên chính phủ do không tuân thủ quy định bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trong số này, có tới 914 nhân viên thuộc Bộ Giáo dục, 36 cảnh sát và 25 lính cứu hỏa.
Theo Thị trưởng thành phố, Eric Adams, các nhân viên nhà nước là những người làm việc ở tuyến đầu chống đại dịch COVID-19. Do đó, tiêm vaccine là cách chứng tỏ họ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ để bảo vệ bản thân và người dân. Tại New York có 13.044 viên chức đã nộp đơn xin miễn tiêm vaccine vì lý do sức khỏe và tôn giáo, trong đó hơn 70% số đơn đã bị từ chối và 2.118 đơn đã được tiếp nhận. Tại New York, hiện có khoảng 400.000 người lao động đang làm việc trong các cơ quan nhà nước của thành phố.
Tại Italy, tất cả những người lao động trên 50 tuổi, cả trong khu vực nhà nước và tư nhân, bắt buộc phải có siêu thẻ xanh, được cấp cho những người đã tiêm vaccine hoặc đã khỏi COVID-19, mới được đến nơi làm việc. Theo quy định tiêm chủng bắt buộc mới, được áp dụng cho tất cả người dân trên 50 tuổi tại Italy, bao gồm cả công dân nước ngoài, lao động tự do và người thất nghiệp, những người lao động chưa tiêm vaccine sẽ bị đình chỉ công tác mà không được trả lương, còn những người đi làm mà không có siêu thẻ xanh có nguy cơ bị phạt từ 600 - 1.500 euro (0 - 1.701 USD). Những người sử dụng lao động cũng có nguy cơ bị phạt 400 - 1.000 euro nếu vi phạm các quy định mới này.
Ngoài những người trên 50 tuổi, từ ngày 15/2, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng trở thành quy định bắt buộc tại Italy đối với nhân viên các trường đại học và những người làm việc trong các học viện đào tạo âm nhạc, nghệ thuật và khiêu vũ. Người lao động dưới 50 tuổi vẫn chỉ cần thẻ xanh, được cấp cho những người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, để được đến nơi làm việc.
Trong khi đó, Kuwait nới lỏng các biện pháp hạn chế, cho phép tổ chức các sự kiện đông người như mít tinh, hội nghị, hội thảo, đám cưới, hòa nhạc kể từ ngày 20/2 tới, kể cả trong nhà hay ngoài trời. Tuy nhiên, các sự kiện trên vẫn phải tuân thủ các quy định về y tế. Những người chưa tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 phải có xét nghiệm PCR âm tính khi tham gia các sự kiện trong nhà như trung tâm thương mại, hòa nhạc, rạp chiếu phim, trừ những người dưới 16 tuổi.
Liên quan đến hạn chế đi lại, Chính phủ Kuwait cũng bãi bỏ yêu cầu phải có xét nghiệm PCR trước và sau khi đặt chân xuống sân bay đối với những công dân nước này đã tiêm đủ liều cơ bản, đồng thời hủy bỏ quy định cách ly tại nhà sau khi nhập cảnh. Tuy nhiên, những người chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đầy đủ chỉ được giảm một phần quy định, tùy trường hợp.
Tại Trung Quốc, chính quyền thành phố Tô Châu - trung tâm công nghiệp công nghệ cao ở miền Đông nước này, đã hạn chế việc tiếp cận một số tuyến đường cao tốc, sau khi phát hiện các ca mắc mới COVID-19. Tô Châu đã tạm ngừng hoạt động của một số dịch vụ xe buýt đường dài, đóng cửa một số tòa nhà liên quan và khuyến cáo người dân không nên rời nơi ở trong trường hợp không cấp thiết. Thành phố này đã đóng cửa lối vào 15 cao tốc và yêu cầu cả tài xế lẫn hành khách di chuyển qua những tuyến đường còn lại phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ.
Còn chính quyền thành phố Phnom Penh của Campuchia đã tính đến phương án ngừng tạm thời hoạt động trong một số ngành, cơ sở kinh doanh có nguy cơ lây nhiễm cao do thành phố này là địa phương có số ca nhiễm biến thể Omicron cao nhất. Các ca nhiễm biến thể Omicron tại Campuchia đã tăng gấp 4 lần trong tuần qua, gây sức ép nặng nề đối với công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Các chuyên gia y tế Campuchia lo ngại tình trạng số ca nhiễm biến thể Omicron tiếp tục tăng do người dân không thực hiện nghiêm các biện pháp y tế sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ kế hoạch phục hồi của nước này.