Tại Trung Quốc, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong có kế hoạch nối lại các chuyến bay từ 9 quốc gia, trong đó có Mỹ và Anh, từ tháng 4 tới. Lệnh cấm bay đã được áp đặt từ đầu tháng 1, khi biến thể Omicron lần đầu tiên xuất hiện tại đặc khu này. Chính quyền Hong Kong cũng quyết định đình chỉ kế hoạch thực hiện xét nghiệm bắt buộc toàn dân sau khi xem xét ý kiến của các chuyên gia.
Ngoài ra, nhà chức trách Hong Kong công bố một số biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội theo 3 giai đoạn kể từ ngày 21/4, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 giảm trong những ngày gần đây. Theo đó, trong giai đoạn đầu, các nhà hàng có thể sẽ được đón tiếp khách ăn tại chỗ sau 18h, giới hạn tụ tập nơi đông người được nới lỏng lên 4 người. Trong giai đoạn 2, các quán rượu, bể bơi và bãi biển... sẽ được mở cửa trở lại. Tuy nhiên, tại các địa điểm nói trên, khách hàng vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng dịch cơ bản nhất, gồm sử dụng ứng dụng “Leave Home Safe” (Đi lại an toàn) và “thẻ thông hành vaccine”. Việc giảng dạy và học tập trực tiếp sẽ được nối lại sớm nhất vào ngày 19/4.
Trung tâm công nghệ Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, cũng đã quyết định dỡ bỏ phong tỏa toàn thành phố kéo dài một tuần qua do tình hình dịch đã được kiểm soát. Theo quy định mới, thành phố sẽ cho phép các cơ quan chính phủ và các công ty nối lại hoạt động và sản xuất bình thường. Dịch vụ xe buýt và tàu cũng được nối lại. Quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 21 - 27/3. Chính quyền thành phố cảnh báo người dân không nên tụ tập đông người sau khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, số ca mắc mới COVID-19 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua, với 1.549 ca trong 24 giờ qua. Cùng với 31 ca tử vong mới ghi nhận, Ấn Độ hiện có 516.510 ca tử vong trong số trên 43 triệu ca mắc. Tuy nhiên, Bộ Y tế Ấn Độ kêu gọi các bang tăng cường các biện pháp truy vết phòng dịch do lo ngại số ca mắc mới tăng trở lại ở một số khu vực châu Á và châu Âu, trong đó có Trung Quốc và Italy.
Hiện Ấn Độ đang cân nhắc triển khai tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả những người trên 18 tuổi có nguyện vọng. Nước này mới đang triển khai tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ ba cho các nhân viên tuyến đầu và người trên 60 tuổi, miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng nhà nước và mất phí tại các bệnh viện tư nhân.
Tại Israel, sau một tháng liên tục giảm, hệ số lây nhiễm và số ca mắc mới COVID-19 đang gia tăng trở lại, làm dấy lên lo ngại làn sóng dịch bệnh có nguy cơ tái bùng phát. Thông báo của Bộ Y tế Israel cho biết số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận trong ngày 21/3 là 12.869 ca, tăng 5.070 ca so với ngày trước đó, đưa tổng số ca mắc lên 49.349 ca. Đồng thời, hệ số R cũng tăng lên 1,23. Mức trên 1,0 cho thấy dịch bệnh đang lây lan. Tuy nhiên, số ca COVID-19 nặng vẫn đang ở mức thấp là 328 ca, tăng nhẹ so với ngày 20/3.
Tại châu Âu, dịch COVID-19 đang có dấu hiệu nóng lên. Giới chức Pháp ngày 21/3 cho biết trong 7 ngày qua, trung bình mỗi ngày nước này ghi nhận gần 90.000 ca mắc mới, tăng 36% so với cách đây 1 tuần khi chính phủ dỡ bỏ phần lớn các biện pháp phòng dịch trước thềm các cuộc bầu cử. Cụ thể, ngày 20/3, Pháp ghi nhận 81.283 ca mắc mới, theo đó số ca mắc mới trung bình hằng ngày trong tuần qua ở mức 89.002 ca, cao hơn nhiều so với con số trung bình hơn 60.000 ca mắc mới mỗi ngày một tuần trước đó. Số ca mắc trên 100.000 dân cũng ở mức cao nhất kể từ ngày 18/2. Trong khi đó, số ca nhập viện mới giảm 1,7% so với một tuần trước đó và là mức giảm thấp nhất kể từ đầu tháng 2 vừa qua, cho thấy những xu hướng tích cực trước đó của tình hình dịch bệnh đang có nguy cơ đảo chiều.
Còn tại Đức, theo thống kê của Viện Robert Koch (RKI), số ca mắc mới COVID-19 cũng có xu hướng tăng mạnh trong những ngày gần đây, lên mức trung bình khoảng 220.000 ca nhiễm mới/ngày trong 7 ngày qua, mức cao nhất kể từ đầu dịch.