Cách ứng phó kiểu mẫu của Việt Nam
Quỹ Châu Á - Thái Bình Dương của Canada, một tổ chức tập trung vào quan hệ Canada với Châu Á, gần đây đã phát hành một ấn phẩm liệt kê hai biện pháp thành công đã giúp Việt Nam giành chiến thắng tới thời điểm này trong cuộc chiến chống lại đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra.
Việt Nam đã thành công trong theo dõi những người tiếp xúc với người bệnh dựa trên phân loại nhanh của Bộ Y tế về các trường hợp bị nhiễm, nghi ngờ, và phơi nhiễm COVID-19, đồng thời huy động nhanh các chuyên gia y tế, nhân viên an ninh công cộng, quân đội để thực hiện việc tìm và cách ly người tiếp xúc.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thì đã khen ngợi Việt Nam có phản ứng nhanh chóng để giải quyết đại dịch. WEF cũng lưu ý rằng Việt Nam với lực lượng quân đội và các đơn vị an ninh được tổ chức tốt, đủ năng lực nhanh chóng đưa ra các quyết định ứng phó dịch bệnh.
Có lẽ, các quốc gia khác trong ASEAN và phần còn lại của thế giới có thể học hỏi từ phản ứng nhanh nhạy của Việt Nam trong việc xử lý các đại dịch COVID-19.
Có tới 62% số người tham gia khảo sát tại Việt Nam cho rằng Chính phủ Việt Nam đã thực thi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19 với “mức độ vừa đủ”.
Chiến dịch chống COVID-19 chi phí hợp lý
Theo trang aspistrategist.org.au, khi COVID-19 lan rộng ở bán cầu Nam, các chính phủ ở đây có nhiều điều cần học hỏi từ cách tiếp cận của Việt Nam. Đó là cách tiếp cận chi phí thấp nhưng vẫn có hiệu quả ngang Hàn Quốc, nước đã chi khá nhiều tiền cho đối phó dịch.
Nghiên cứu gần đây cho thấy thành công ban đầu của Việt Nam trong làm giảm tốc độ lây nhiễm là nhờ chính quyền tập trung vào công tác truyền thông và nâng cao ý thức cộng đồng thông qua các nền tảng công nghệ và theo dấu mầm bệnh một cách có hệ thống.
Khi đại dịch xấu đi hàng ngày trên toàn cầu, thông qua tập trung vào đánh giá rủi ro sớm, truyền thông hiệu quả và sự phối hợp với giữa chính phủ với người dân, kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy một quốc gia có nguồn lực không dồi dào với một hệ thống y tế chưa quá phát triển có thể kiểm soát đại dịch. Khi đối mặt với tình hình phức tạp, sự lãnh đạo quyết đoán, thông tin chính xác và đoàn kết cộng đồng đã làm tăng sức mạnh cho người dân để bảo vệ mình và bảo vệ lẫn nhau.
Có một điều rất rõ ràng là cho đến nay Việt Nam đã làm tốt các biện pháp đối phó với dịch COVID-19. Mặc dù chưa có cuộc nghiên cứu nào, song không khí trên mạng xã hội và câu chuyện giữa người Việt Nam với nhau cho thấy đa số người dân đồng tình với các biện pháp của chính phủ. Họ tự hào rằng Việt Nam đang xử lý khá tốt cuộc khủng hoảng này.
Việt Nam đã thực hiện cách tiếp cận mẫu mực trong chiến dịch ứng phó sớm với dịch COVID-19, dựa trên kinh nghiệm là nước đầu tiên ngoài Trung Quốc bị dịch SARS tấn công năm 2003.
Làm thế nào mà một quốc gia có nguồn lực hạn chế có thể kìm hãm một đại dịch toàn cầu đang khiến hệ thống y tế của nhiều nước phát triển đứng trước tình trạng hỗn loạn?
Đó là một thách thức mà nhiều nước ở khu vực nghèo trên thế giới, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, đang phải đối mặt. Tuy nhiên, Việt Nam đang nổi bật nhờ cách làm hiệu quả hơn với nguồn lực ít hơn. Bằng việc tập trung vào những biện pháp nằm trong khả năng, Việt Nam đã nhận được lời khen ngợi từ cộng đồng quốc tế.
The trang Expansion, để giải thích cho sự thành công của Việt Nam, có thể nêu bật ba yếu tố: đầu tư nguồn lực trong thời gian chưa có dịch, kích hoạt sớm hệ thống ứng phó và đồng lòng toàn xã hội chống dịch dưới sự lãnh đạo quyết đoán từ trên xuống.
NPR, tổ chức truyền thông độc lập, phi lợi nhuận tại Mỹ, dẫn lời các chuyên gia đánh giá rằng kinh nghiệm đối phó các đại dịch trước, tiến hành sớm các chính sách kiên quyết nhằm giãn cách, cách ly xã hội, hành động quyết đoán và rất chủ động của các cấp lãnh đạo đã giúp Việt Nam khống chế thành công dịch bệnh nguy hiểm này.
Giới chức trên thế giới công nhận rằng sự tham gia tích cực của các cơ quan, bộ ngành, kỷ luật thiết yếu, hợp tác xã hội, sự đầu tư từ trước cho nguồn lực và cơ sở hạ tầng đã trở thành yếu tố quyết định để Việt Nam vượt qua được đại dịch.
Krista Aoki, công dân Mỹ gốc Nhật, cho rằng nhiều người biết về cách ứng phó với dịch COVID-19 của Việt Nam thông qua bài hát “Ghen Cô Vy” - bài hát đã nổi tiếng thế giới sau khi xuất hiện trong chương trình “Last Week Tonight with John Oliver”. Tuy nhiên, không chỉ có bài hát đó, là một quốc gia đang dẫn đầu trong cuộc chiến chống COVID-19, Việt Nam là một ví dụ điển hình để các nước nghiên cứu và học theo.
Việt Nam không miễn nhiễm với virus. Các trường hợp nhiễm bệnh được thông báo trên toàn quốc và trong giai đoạn ủ bệnh của virus, đất nước này đã chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.
Rõ rằng Việt Nam đã chọn cách tiếp cận con người trước, chăm sóc con người trước, lo cho nền kinh tế sau. Cách tiếp cận con người trước tiên của người Việt Nam khẳng định cuộc sống của con người là nền kinh tế. Và nước này đã làm theo những khuyến nghị của WHO về xét nghiệm, điều trị và theo vết người tiếp xúc. Chính phủ Việt Nam đã đóng vai trò chủ động, tích cực trong việc giáo dục cộng đồng về virus Corona chủng mới.
Cách giáo dục sáng tạo, tiên tiến của Việt Nam về đại dịch cho thấy đất nước này đã phản ứng nhanh như thế nào để đoàn kết đối phó với đại dịch.