Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới, với 28.106.704 ca mắc COVID-19 và 492.521 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai với 10.892.550 ca mắc và 155.588 ca tử vong. Tiếp theo là Brazil với 9.765.694 ca mắc và 237.601ca tử vong.
Trong khi đó, đáng chú ý Nga đã ghi nhận thêm 14.861 bệnh nhân mắc mới và 502 trường hợp tử vong trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại nước này lần lượt lên 4.057.698 ca và 79.696 ca, nhiều thứ tư thế giới.
Tại châu Âu, Nga là nước đứng đầu châu Âu về số ca mắc mới trong ngày. Tiếp theo là Ba Lan với 6.586 ca và Ukraine là 5.182 ca. Một số nước như Rumani, Bỉ, Hungary và Slovakia ghi nhận số ca lây nhiễm mới vượt mức 2.000 ca/ngày.
Trong khi đó, tại Bắc Mỹ, Mexico trong ngày đã ghi nhận thêm 10.8 ca mắc mới và 1.323 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, đứng đầu khu vực này. Tình hình dịch bệnh tại châu Á phức tạp hơn với loạt nước ghi nhận số ca mắc mới vượt ngưỡng 1.000 ca/ngày.
Cụ thể, Indonesia ghi nhận 8.844 trường hợp lây nhiễm mới và 280 ca tử vong, tiếp đến là Iran với 7.120 ca mắc mới và 74 ca tử vong. Malaysia ghi nhận 3.499 ca mắc mới. Các nước như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Iraq và Philippines lần lượt có thêm 2.631 ca, 2.190 ca và 1.960 ca mắc mới.
Các quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên đầu người cao nhất gồm Bỉ với 186 ca/100.000 dân, tiếp theo là Slovenia với 178 ca, Anh là 171 ca, CH Séc là 169 ca và Italy là 154 ca.
Cùng ngày, hãng tin AFP dẫn số liệu thống kê của giới chức chuyên môn cho thấy tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới đang có xu hướng giảm, với số ca mắc mới ghi nhận trong 1 tháng qua đã giảm gần một nửa và tiếp tục đà giảm trong tuần này.
Cụ thể, số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới đã giảm 44,5%, mức giảm lớn nhất và được duy trì lâu nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 khởi phát hồi đầu năm 2020. Tính riêng trong tuần qua, số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục giảm, với mức trung bình trên toàn thế giới là 412.700 ca/ngày, giảm gần một nửa so với mức kỷ lục theo ngày được ghi nhận trong tuần đầu của tháng 1/2021 là 743.000 ca.
Như vậy, số ca mắc mới hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2020. Giám đốc Viện Y tế toàn cầu thuộc trường Đại học tổng hợp Geneva (Thụy Sĩ), nhà dịch tễ học Antoine Flahault cho rằng: "Dù ít hay nhiều, ở mọi nơi trên thế giới đều ghi nhận mức giảm khá nhiều về dịch bệnh".
Hai quốc gia có mức giảm mạnh nhất trong tuần này là Bồ Đào Nha, giảm 54% và Israel giảm 39%. Israel cũng tự hào có chương trình tiêm chủng nhanh nhất thế giới, với 44% dân số đã được tiêm một liều và 28% được tiêm đủ hai liều.
Tây Ban Nha là nước có tỷ lệ giảm lớn thứ ba với 39%, tiếp theo là Nam Phi với 37%, Colombia và Nhật Bản cùng 35%. Một số nước có số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng, nhiều nhất tại Iraq tăng 81% mỗi ngày, tiếp theo Jordan tăng 34%, Hy Lạp tăng 29%, Ecuador tăng 21% và Hungary tăng 16%.
Liên quan đến vấn đề vaccine, cùng ngày, Đại học Oxford (Anh) thông báo đã triển khai nghiên cứu đánh giá độ an toàn và phản ứng miễn dịch ở trẻ em của vaccine ngừa COVID-19 mà trường này hợp tác với hãng dược AstraZeneca bào chế. Đây là lần đầu tiên thử nghiệm phản ứng vaccine ở trẻ em được tiến hành.
Cuộc thử nghiệm giai đoạn giữa mới này sẽ xác định liệu vaccine có hiệu quả ngừa bệnh đối với trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 17 tuổi hay không. Đại học Oxford cho biết sẽ có khoảng 300 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm và dự kiến đợt tiêm đầu tiên sẽ diễn ra trong tháng này.
Trong khi đó, Hungary trở thành quốc gia thành viên EU đầu tiên tiêm chủng vaccine Sputnik V của Nga, trước khi có ý kiến của Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) về loại vaccine này.
Theo thỏa thuận hồi tháng 1, Nga sẽ cung cấp tổng cộng 2 triệu liều vaccine cho Hungary trong 3 tháng, trong đó 40.000 liều đầu tiên đã đến Hungary vào ngày 2/2. Ngoài Sputnik V, Hungary hiện có vaccine của Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca. Ngoài ra, vào cuối tháng 1, các nhà chức trách Hungary đã cấp phép sơ bộ một loại vaccine từ công ty Trung Quốc Sinopharm và đã ký thỏa thuận mua 5 triệu liều.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Ba Lan cho biết virus SARS-CoV-2 phát hiện trên chồn tại một trang trại ở miền Bắc nước này có thể lây nhiễm sang người và ngược lại. Theo đó, virus SARS-CoV-2 gây bệnh đường hô hấp cấp COVID-19 đã được tìm thấy trên chồn tại một trang trại ở thị trấn Kartuzy, Ba Lan vào cuối tháng 1 vừa qua. Đây là trường hợp lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở chồn đầu tiên tại nước này, làm dấy lên quan ngại sẽ tác động đến ngành nuôi chồn với hơn 350 trang trại thu nuôi trên cả nước. Trước tình hình này, giới chức Ba Lan cho hay toàn bộ chồn tại trang trại trên sẽ bị tiêu hủy.
Hồi đầu tháng 11/2020, Đan Mạch - nước xuất khẩu lông chồn hàng đầu thế giới- đã phải tiêu hủy khoảng 17 triệu con chồn trong năm 2020 sau khi phát hiện virus SARS-CoV-2 trên chồn và quyết định bồi thường hơn 3 tỷ USD cho những người nông dân nuôi chồn. Trước đó, vào tháng 8/2020, Hà Lan đã ra lệnh đóng cửa hơn 100 trang trại nuôi trồn sau khi một số nhân viên nuôi chồn bị mắc COVID-19.