Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận 82.309.113 ca mắc, trong đó 1.015.441 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm với 43.042.097 ca trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong với 661.993 ca.
Trong 7 ngày qua, diễn biến dịch trên toàn cầu tiếp tục xu hướng tích cực với số ca mắc mới tính đến sáng 17/4 giảm 22% so với tuần trước đó. Tương tự, số ca tử vong cũng giảm 21%. Ba quốc gia đứng đầu về số ca mắc mới theo ngày trong tuần qua là Hàn Quốc, Pháp và Đức ghi nhận con số giảm lần lượt 30%, 6% và 23%. Đặc biệt xét về khu vực, số ca mắc mới đều giảm, trong đó châu Á tiếp tục là khu vực ghi nhận tỷ lệ giảm mạnh nhất với 28%.
Điểm đáng chú ý trong tuần qua là sau hơn 2 năm hoành hành, ngày 12/4, tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới đã vượt mốc 500 triệu ca. Tính từ những trường hợp đầu tiên được biết tới cuối năm 2019, hơn 1 năm sau, thế giới ghi nhận tổng số ca mắc COVID-19 vượt 100 triệu ca vào ngày 26/1/2021, hơn 6 tháng sau, ngày 4/8/2021, con số này là 200 triệu. Sau đó 5 tháng, thế giới có thêm 100 triệu ca mắc. Khoảng thời gian tăng từ 300 triệu ca (ngày 6/1/2022) lên 400 triệu ca rút ngắn chỉ còn khoảng 1 tháng (ngày 8/2/2022).
Diễn biến dịch tại Trung Quốc vẫn phức tạp. Ngày 17/4, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo ghi nhận 3.504 ca mắc mới COVID-19 có triệu chứng trong ngày 16/4, tập trung chủ yếu ở thành phố Thượng Hải. Trung tâm tài chính Thượng Hải hiện là tâm dịch của đợt bùng phát mới tại Trung Quốc.
Ngày 16/4, thành phố này thông báo ghi nhận 3.2 ca mắc mới có triệu chứng và 21.582 ca mắc mới không có triệu chứng trong tổng số 22.512 ca mắc mới không có triệu chứng trong cộng đồng được ghi nhận trên cả nước. Dù hầu hết người dân tại thành phố đang thực hiện lệnh phong tỏa, nhưng số ca mắc mới tại đây vẫn chiếm phần lớn tổng số ca mắc mới ghi nhận ở Trung Quốc.
Trong ngày 16/4, một số địa phương ở Trung Quốc bắt đầu áp dụng các biện pháp phong tỏa mới để ngăn chặn dịch COVID-19. Cụ thể, khu công nghiệp Sân bay Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam, nơi có nhiều cơ sở sản xuất của các công ty lớn như Foxconn, thông báo lệnh phong tỏa 14 ngày từ ngày 15/4 và biện pháp này sẽ được điều chỉnh tùy theo tình hình dịch bệnh. Theo đó, chỉ những nhân viên có giấy thông hành đúng quy định, mã số y tế hợp lệ và chứng nhận âm tính với virus mới có thể rời khu công nghiệp trong thời gian áp dụng lệnh phong tỏa. Trong khi đó, thành phố Tây An ở Tây Bắc Trung Quốc cũng thông báo tạm thời áp lệnh phong tỏa từng phần sau khi ghi nhận hàng chục ca mắc mới COVID-19 trong tháng này.
Ở chiều hướng ngược lại, diễn biến dịch tại Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận dấu hiệu tích cực khi số ca mắc mới tại đây giảm xuống dưới mốc 100.000 ca/ngày. Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết đã ghi nhận 93.001 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, giảm so với con số 107.916 của ngày trước đó và giảm mạnh so với mức 164.456 của tuần trước. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 203 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 21.092 ca. Tỷ lệ tử vong là 0,13.
Tại Thái Lan, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Prayut Chan-o-cha đã ra lệnh cho Bộ Y tế và các cơ quan nhà nước khác chuẩn bị đối phó với khả năng gia tăng số ca mắc mới COVID-19 khi người dân trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Songkran vào ngày 18/4. Văn phòng Bảo hiểm Y tế Quốc gia (NHSO) đã bổ sung năng lực cho đường dây nóng để phục vụ nhu cầu trợ giúp về dịch vụ chăm sóc và tư vấn COVID-19 sau lễ hội Songkran. NHSO cũng khuyến cáo người dân theo dõi sức khỏe trong vòng 7 ngày đến 10 ngày để phát hiện các dấu hiệu lây nhiễm, có thể bao gồm sốt cao, ho hoặc sổ mũi. Những ai có các triệu chứng đó được khuyến nghị thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh và thông báo cho bác sĩ về lịch sử đi lại trong kỳ nghỉ.
Trong khi đó, Giám đốc phụ trách hoạt động của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) Supoj Malaniyom ngày 17/4 kêu gọi các cơ quan nhà nước và tư nhân để nhân viên làm việc tại nhà trong 1 tuần nhằm giảm thiểu số ca nhiễm sau Songkran. CCSA có thể sẽ họp trong tuần này để đánh giá tình hình và xem liệu có cần phải có thêm các biện pháp để ngăn chặn sự gia tăng các ca nhiễm mới sau Songkran hay không.
Trước đó, người đứng đầu bộ phận dịch tễ học của Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DDC) Jakkarat Pittayawong-anont cho biết Bộ Y tế dự báo số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày có thể lên tới 50.000 ca vào ngày 19/4, 4 ngày sau lễ Songkran, nếu các các biện pháp phòng dịch bổ sung không được thực hiện.
Về tình hình COVID-19 ở Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này sáng 17/4 ghi nhận thêm 17.775 ca mắc mới trong 24 giờ qua, giảm hơn 1.000 ca so với ngày hôm trước, nhưng số trường hợp tử vong lại tăng lên 128 ca – mức kỷ lục trong giai đoạn biến thể Omicron hoành hành.
Bên cạnh đó, từ tháng 5 tới, Bộ Y tế Thái Lan sẽ mở chiến dịch tiêm mũi tăng cường bằng vaccine của Pfizer cho học sinh từ 12-17 tuổi đã tiêm mũi thứ 2 trước đó 4-6 tháng. Cục trưởng Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DCD) Opart Karnkawinpong cho biết kế hoạch này là nhằm tăng cường khả năng miễn dịch cho học sinh trước khi khai giảng năm học mới.
Ông Opart cho biết mỗi học sinh sẽ được tiêm mũi vaccine mRNA của Pfizer với liều lượng 15 microgram. Đối với những học sinh có vấn đề về sức khỏe, nhân viên y tế sẽ có mặt để giám sát việc tiêm chủng và đưa ra lời khuyên cho phụ huynh. Việc tiêm phòng sẽ chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của phụ huynh và học sinh.
Cùng ngày, Myanmar đã mở lại sân bay quốc tế Yangon, hơn 2 năm sau khi quốc gia Đông Nam Á này ngừng tất cả các chuyến bay thương mại do đại dịch COVID-19. Theo quy định phòng dịch COVID-19, mọi hành khách đến Myanmar cần có giấy tờ chứng minh đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 với một trong những loại vaccine được Bộ Y tế nước này phê chuẩn kèm kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Mọi du khách nước ngoài cũng cần có xác nhận bảo hiểm y tế COVID-19 mua từ Bảo hiểm Myanmar. Bên cạnh đó, mọi hành khách sẽ cần lưu trú tại khách sạn chỉ định, chờ kết quả xét nghiệm PCR được gửi từ Bộ Y tế Myanmar trong khoảng 24 giờ.
Myanmar ngày 16/4 ghi nhận 18 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 612.545 ca, trong khi tổng số ca tử vong vì bệnh này là 19.434 ca. Tính đến ngày 9/4, hơn 22,23 triệu người dân Myanmar đã tiêm phòng đầy đủ.