Thế giới ghi nhận trên 20,59 triệu ca mắc, 747.224 ca tử vong do COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 12/8, thế giới đã ghi nhận 20.592.533 ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 747.224 ca tử vong.

Bắc Mỹ vẫn là khu vực có số ca nhiễm cao nhất với 6.252.854 ca, sau đó là châu Á với 5.261.673 ca, và Nam Mỹ với 4.887.320 ca. Châu Âu hiện ghi nhận 3.096.144 ca nhiễm, châu Phi là 1.069.739 ca trong khi số ca nhiễm tại châu Đại Dương hiện là 24.082 ca.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 10/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số nước Đông Nam Á với hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Hiện Philippines là quốc gia có số ca mắc bệnh cao nhất khu vực này. Ngày 12/8, Bộ Y tế Philippines cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 4.444 ca mắc mới và 93 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 143.749 và 2.404 ca. Vùng đô thị Manila là địa phương có số ca mắc mới trong ngày cao nhất với 2.1 ca, trong khi địa phương cao thứ hai là tỉnh Laguna ghi nhận 233 ca mắc mới. Cùng ngày, Indonesia thông báo thêm 1.942 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 130.718 ca. Trong khi đó, số ca tử vong cũng tăng lên 5.903 ca, thêm 79 ca so với một ngày trước đó. Đây là số ca tử vong cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Tại Đông Bắc Á, tình hình dịch ở Nhật Bản cũng diễn biến phức tạp. Ngày 12/8, chính quyền thành phố Tokyo xác nhận thêm 222 ca nhiễm, tăng so với mức 188 ca mới trong ngày trước đó, 197 ca trong ngày 10/8, và 331 ca trong ngày 9/8. Tokyo và nhiều thành phố lớn khác ở Nhật Bản, trong đó có Osaka, đang tiếp tục chứng kiến số ca nhiễm tăng cao, kể từ khi chính phủ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa toàn quốc hồi cuối tháng 5.

Trong khi đó, số liệu của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc cho biết Trung Quốc đại lục có thêm 25 ca nhiễm, trong đó có 9 ca tại nội địa, đều ở khu tự trị Tân Cương và 16 ca du nhập từ nước ngoài. Trong 24 giờ qua Trung Quốc đại lục cũng phát hiện thêm 20 ca nhiễm không biểu hiện triệu chứng, trong đó có 12 ca nhập cảnh. Hiện các bác sĩ đang theo dõi y tế đối với 288 ca nhiễm không triệu chứng, trong đó có 141 ca du nhập từ nước ngoài. Cùng ngày, Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã ghi nhận thêm 54 ca nhiễm trong ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 14.714. Hàn Quốc cũng đã có thêm 57 bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, đưa tổng số ca được chữa khỏi lên 13.786 ca.

Ấn Độ ghi nhận ngày thứ 13 liên tiếp có số ca mắc mới trên 50.000 ca. Cụ thể, ngày 12/8, nước này có thêm 60.963 ca nhiễm và 834 ca tử vong. Đến nay, Ấn Độ xác nhận 2.329.6 ca bệnh, trong đó có 46.091 ca tử vong.

Israel đã vượt qua Trung Quốc đại lục về số ca nhiễm tính từ khi dịch bệnh bùng phát hồi đầu năm 2020. Tính đến sáng 12/8, Israel có 86.147 ca nhiễm. Tuy nhiên, số trường hợp tử vong tại nước này thấp hơn nhiều so với Trung Quốc đại lục, chỉ có 622 ca.

Tại Australia, trong vòng 24 giờ qua, bang Victoria có thêm 21 ca tử vong - cao nhất từ trước đến nay, trong khi số ca nhiễm mới là 410, chấm dứt chuỗi 3 ngày liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới dưới 400. Cho đến thời điểm này, ngoài hai bang lớn nhất là Victoria và New South Wales, virus SARS-CoV-2 đã được kiểm soát tại hầu hết các bang ở Australia.

Nhà chức trách ở New South Wales hiện đang truy vết tiếp xúc liên quan ổ dịch mới tại một trường học ở thành phố Sydney. Việc xuất hiện ổ dịch tại thành phố này đã làm gia tăng lo ngại về sự lây lan rộng rãi hơn trong cộng đồng so với trước đây ở bang đông dân nhất của Australia.

Tại New Zealand, các nhà dưỡng lão trên cả nước đều đã bị phong tỏa từ ngày 12/8 do lo ngại đây có thể trở thành ổ dịch sau khi nước này phát hiện 1 gia đình 4 người tại thành phố Auckland nhiễm virus SARS-CoV-2 sau 102 ngày cả nước này không có lây nhiễm cộng đồng. Diễn biến đó đang khiến Chính phủ New Zealand hết sức cảnh giác trước nguy cơ lây lan của dịch bệnh khi không thể xác định nguồn lây nhiễm của các ca bệnh mới. Giới chức nước này đang đặt ra khả năng nguồn lây nhiễm từ hàng hóa nhập khẩu.

Tại Mỹ, bang California bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 585.791 ca nhiễm (trong đó có 10.651 ca tử vong), tiếp đó là bang Florida với 536.961 trường hợp, Texas có 510.144 ca nhiễm và con số này ở bang New York là 422.003 ca. Những bang có số ca mắc bệnh vượt mức 180.000 trường hợp là Georgia, Illinois, Arizona và New Jersey.

Tại Honduras, nhằm siết chặt các quy định phòng chống dịch, Hội đồng Bộ trưởng nước này đã thông qua sắc lệnh yêu cầu toàn bộ người nhập cảnh vào nước này bằng đường hàng không phải xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Giấy xét nghiệm phải được cấp 72 giờ trước khi các đối tượng này đến quốc gia Nam Mỹ này. Ngoài ra, những người nhập cảnh vào Honduras có thể phải khai báo y tế theo yêu cầu, tuân thủ các quy định yêu cầu cách ly và những yêu cầu khác theo quy định của Bộ Y tế nước này. Sắc lệnh có hiệu từ ngày 17/8 - thời điểm các đường bay quốc tế được mở cửa trở lại sau thời gian dài ngừng phục vụ do dịch COVID-19. Từ ngày 10/8, Honduras đã khôi phục hầu hết các chuyến bay nội địa.

Tại Mexico, theo thống kê chính thức, nước này có tổng cộng 78 bệnh nhân COVID-19 trên 100 tuổi, trong số đó 23 người đã không qua khỏi. Nếu như giới chuyên gia cho rằng nhóm người cao tuổi có nguy cơ tử vong cao nếu mắc COVID-19, thì những gì diễn ra tại Mexico lại chứng minh điều ngược lại khi có tới 53 bệnh nhân ở độ tuổi từ 100 -118 đã chiến thắng căn bệnh này. Một trong những bệnh nhân đặc biệt nhất là người đàn ông 118 tuổi sống tại bang Tabasco. Ông đã bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của bệnh vào tháng trước, song do cơ thể không có bệnh lý nền nên nguy cơ tử vong đối với bệnh nhân này là không cao và ông cũng không cần điều trị nhiều về y tế.

Tại châu Âu, trước những lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai, nhiều nước đã siết chặt, gia hạn hoặc tái áp đặt các biện pháp chống dịch. Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết nước này sẽ gia hạn lệnh cấm các hoạt động tụ họp có quy mô hơn 5.000 người ở nơi công cộng đến ngày 30/10.

Theo ông Castex, tình hình dịch bệnh ở Pháp đã diễn biến theo chiều hướng xấu đi trong 2 tuần qua, đồng thời cảnh báo “nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh rất cao” nếu không có sự phối hợp hành động giữa các cơ quan chức năng và người dân nước này. Do đó, Thủ tướng Castex yêu cầu chính quyền các địa phương của Pháp siết chặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại những khu vực công cộng ngoài trời. Trong 24 giờ qua, Pháp đã ghi nhận thêm gần 1.400 ca nhiễm và 15 ca tử vong. Tính từ ngày 1/3, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 30.354 người ở Pháp.

Chính phủ Na Uy ngày 12/8 cho biết nước này sẽ tái áp đặt các biện pháp cách ly đối với du khách nước ngoài, đồng thời nhắc lại khuyến cáo người dân nên tránh ra nước ngoài. Theo quyết định mới, quy định cách ly sẽ được áp dụng trong 10 ngày từ ngày 15/8 tới, đối với tất cả khách nhập cảnh từ Ba Lan, Malta, Iceland, Cyprus và Hà Lan, cũng như Quần đảo Faroe và một số vùng của Đan Mạch và Thụy Điển. Na Uy cũng đã tái áp đặt các hạn chế đối với Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Sĩ và một số nước khác. Cùng ngày, Thụy Điển đã rút lại khuyến cáo công dân không thực hiện các chuyến đi không cần thiết tới Áo và Liechtenstein, song vẫn duy trì cảnh báo đi lai với Anh và một số nước châu Âu.

Dịch đang tiếp tục tác động mạnh đến kinh tế các nước. Theo Cơ quan thống kê Rosstat của Nga, kinh tế nước này trong quý II/2020 đã sụt giảm 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu thống kê của Rosstat trong quý II là nằm trong mức dự báo giảm 8-10%  mà Ngân hàng trung ương Nga đưa ra trước đó, trong khi mức dự đoán của chính phủ là giảm 9%. Như vậy, nền kinh tế Nga đã đi xuống sau khi ghi nhận mức tăng trưởng 1,6% trong quý I/2020. Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo kinh tế Anh sẽ rất khó khăn trong những tháng tới trong bối cảnh số người thất nghiệp tại Anh kể từ tháng 3 đến nay lên tới 730.000 người. Theo ông Johnson, kinh tế Anh sẽ còn lâu nữa mới có thể khôi phục lại được như trước thời đại dịch.

Chú thích ảnh
Nghiên cứu mẫu bệnh phẩm để bào chế vaccine phòng dịch COVID-19 tại Nga. Ảnh: RIA Novosti/TTXVN

Tuy nhiên, một tin mừng là Bộ Y tế Nga đã thông báo thời điểm ra mắt lô vaccine phòng COVID-19 đầu tiên, mang tên "Sputnik-V",  trong vòng hai tuần tới. Theo Bộ trưởng Murashko, mặc dù việc đáp ứng nhu cầu của người dân Nga là ưu tiên hàng đầu, nhưng vaccine cũng có thể được xuất khẩu. Trong khi đó, cũng như nhiều nước khác, Israel đang xem xét nhập khẩu vaccine của Nga. Bản thân Israel cũng đang phát triển một loại vaccine phòng COVID-19 tiềm năng và dự kiến thử nghiệm trên người vào tháng 10 tới. Ngoài ra, nước này cũng đã ký thỏa thuận với các công ty Moderna và Arcturus Therapeutics của Mỹ để có phương án mua các loại vaccine tiềm năng.

Bích Liên (TTXVN)
Hàn Quốc áp dụng công nghệ mới trong cuộc chiến chống dịch COVID-19
Hàn Quốc áp dụng công nghệ mới trong cuộc chiến chống dịch COVID-19

Hàn Quốc đã mở một mặt trận công nghệ cao mới trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2, theo đó lắp đặt các phòng kiểm tra thân nhiệt và đèn cực tím tẩy trùng tại các bến xe buýt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN