Tại châu Á, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều nước Đông Nam Á với hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Cụ thể, Bộ Y tế Indonesia xác nhận thêm 2.618 bệnh nhân mới nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 415.402 ca. Số ca tử vong do COVID-19 tại Indonesia hiện là 14.044 ca, tăng 101 ca.
Cùng ngày, Malaysia thông báo thêm 834 ca mắc và 2 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong vì COVID-19 lên lần lượt là 33.339 ca và 251 ca. Ngày họp đầu tiên của Hạ viện Malaysia đã kết thúc sớm hơn dự kiến, sau khi có thông tin nhân viên tháp tùng một thượng nghị sĩ có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Tại Lào, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 thông báo sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng chống đại dịch tại nước này, tuy nhiên vẫn duy trì hạn chế các hoạt động xuất nhập cảnh ít nhất tới hết năm nay. Theo đó, ngoài cho phép hoạt động du lịch theo nhóm đối với du khách đến từ các quốc gia không có dịch COVID-19 trong cộng đồng, Chính phủ Lào cũng cho phép mở lại các khu vui chơi giải trí, quán karaoke với điều kiện đảm bảo các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh và chấp hành giờ giới nghiêm theo quy định. Tuy nhiên, Lào sẽ vẫn tiếp tục đóng cửa các cửa khẩu địa phương và cửa khẩu truyền thống với mục đích xuất nhập cảnh phổ thông và vận tải hàng hóa, ngoại trừ một số cửa khẩu được chính phủ cho phép thực hiện hoạt động vận tải hàng hóa. Lào cũng tiếp tục ngừng cấp thị thực du lịch và thăm thân đối với người di chuyển từ hoặc quá cảnh ở quốc gia đang có dịch.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tiếp tục có sự cải thiện tại Hàn Quốc khi số ca mắc mới giảm xuống dưới 100 ca, chấm dứt chuỗi 5 ngày liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới đều ở mức 3 con số. Cụ thể, nước này thông báo thêm 97 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 26.732 ca. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 2 ca tử vong, nâng số người không qua khỏi lên 4 ca. Chính phủ Hàn Quốc đã sửa đổi chế độ giãn cách xã hội và sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 7/11 tới. Cụ thể, nếu số ca nhiễm ở thủ đô Seoul và khu vực lân cận trên 100 ca/ngày, số ca nhiễm ở các địa phương còn lại trên 30 ca/ngày, thì chính phủ sẽ nhận định dịch bệnh bắt đầu lây lan trong cộng đồng, nâng giãn cách xã hội lên mức 1,5.
Nếu số ca nhiễm trung bình trong ngày ở mức 400-500 ca liên tục trong vòng một tuần trên toàn quốc, hoặc số ca nhiễm bất ngờ tăng lên gấp đôi, thì được coi là dịch bệnh lây lan trên phạm vi cả nước. Khi đó, chính phủ sẽ nâng giãn cách xã hội lên mức 2,5. Hàn Quốc hiện đã chia nhỏ các mức giãn cách xã hội thành 5 mức, gồm mức 1, mức 1,5, mức 2, mức 2,5 và mức 3, thay vì 3 mức (gồm mức 1, mức 2 và mức 3) như trước đây.
Tại Trung Đông, các nước trong khu vực đang nỗ lực tăng cường những biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Iran, quốc gia chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, đã bắt đầu hạn chế đi lại đối với các thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau khi nước này ghi nhận số ca tử vong theo ngày tăng vọt. Biện pháp này có hiệu lực từ trưa 2/11 và sẽ kéo dài đến ngày 6/11 tới, áp dụng đối với thủ phủ của 25 tỉnh trên cả nước được phân loại là "màu đỏ", mức cao nhất trong thang đánh giá theo màu sắc của Iran.
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Thủ tướng Jordan Bisher Khasawneh thông báo lệnh phong tỏa toàn quốc trong vòng 5 ngày, bắt đầu từ ngày 11/11, một ngày sau cuộc bầu cử Quốc hội. Ngoài lệnh phong tỏa trên, Jordan cũng đưa ra các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh mới, trong đó có quy định hạn chế tập trung đông người, tăng thời gian giới nghiêm và đóng cửa các khu vui chơi giải trí cũng như các phòng tập gym. Người dân cũng được yêu cầu tuân thủ những quy định phòng dịch như đeo khẩu trang, bảo đảm giãn cách xã hội.
Tại châu Âu, số liệu thống kê mới nhất cho thấy số ca mắc COVID-19 đã tăng gấp đôi chỉ trong 5 tuần qua, đưa tổng số ca bệnh ở "Lục địa Già" tính đến ngày 1/11 vượt ngưỡng 10 triệu ca. Để kiềm chế tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 tăng đột biến, nhiều chính phủ đã phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa.
Ngày 2/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã ban hành một loạt biện pháp phong tỏa, theo đó các quán bar, quán cà phê, nhà hàng cùng các cơ sở giải trí như nhà hát, rạp chiếu phim... buộc phải đóng cửa. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 2/11 đến hết tháng. Trong khi đó, Chính phủ Bỉ cũng dự kiến sẽ công bố nhiều biện pháp hạn chế mới khi tỷ lệ nhiễm virus tại nước này tính trên đầu người đang ở mức cao nhất thế giới.
Trước đó, Pháp, Bồ Đào Nha và Áo cũng thông báo phong tỏa từng phần hoặc toàn bộ đất nước bắt đầu từ tuần này. Chính phủ Bồ Đào Nha thậm chí đang cân nhắc tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế nhằm siết chặt các biện pháp chống dịch hiện nay.
Cùng ngày, Chính phủ Hy Lạp cũng thông báo áp đặt phong tỏa hai tuần tại thành phố Thessaloniki lớn thứ hai cả nước và Serres ở miền Bắc nhằm kiềm chế tốc độ lây nhiễm. Người phát ngôn chính phủ cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này thấp nhất so với các nước châu Âu khác, tuy nhiên sự gia tăng đáng báo động từ đầu tháng 10 khiến giới chức lo ngại dịch có thể bùng phát mạnh.
Giới chức bang Geneva (Thụy Sĩ) ngày 2/11 cũng thông báo sẽ đóng cửa toàn bộ quán bar, nhà hàng và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực không thiết yếu kể từ ngày 3/11. Các bệnh viện cũng được cảnh báo về tình trạng quá tải và phải đưa ra quyết định khó khăn khi lựa chọn tiếp nhận bệnh nhân điều trị theo mức độ bệnh.
Tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, thống kê mới nhất của hãng tin AFP cho thấy khu vực này đã ghi nhận tổng cộng 11.355.634 ca mắc, trong đó có 403.015 ca tử vong. Khu vực châu Phi cũng đã ghi nhận 1.797.090 ca mắc, trong đó có 43.167 ca tử vong.