Thế giới ghi nhận trên 4.750.400 ca mắc, 313.805 ca tử vong do COVID-19

Tính đến 21h ngày 17/5 (giờ Việt Nam), thống kê trên trang mạng worldometers.info cho thấy thế giới ghi nhận 4.750.403 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và số người tử vong vì bệnh này cũng tăng lên hơn 313.805 người. Trong khi đó, số ca phục hồi là 1.830.514 ca. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện George Washington tại Washington D.C., Mỹ ngày 13/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới với 1.509.422 ca mắc bệnh và 90.142 ca tử vong. Trong ngày, hai nước Nepal và Madagascar thông báo các ca tử vong đầu tiên do COVID-19.

Tại châu Âu, Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo có thêm 87 ca tử vong, nâng số trường hợp không qua khỏi tại nước này lên 27.650 ca.  Đây là lần đầu tiên trong 2 tháng qua, Tây Ban Nha ghi nhận số ca tử vong trong 1 ngày dưới 100 ca. Số ca mắc mới tăng từ 230.698 ca lên 231.350 ca. 

Chính quyền LB Nga thông báo số ca mắc COVID-19 trong 1 ngày tiếp tục giảm dưới 10.000 trường hợp. Tính tới trưa 17/5, nước này ghi nhận thêm 9.709 ca mắc tại toàn bộ 85 chủ thể liên bang, đưa tổng số ca mắc lên 281.752 người. Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 cho biết có tới 42,4% trong tổng số bệnh nhân COVID-19 mới ở Nga không có các biểu hiện lâm sàng.   

Tại châu Á, giới chuyên gia y tế Trung Quốc - nơi khởi phát dịch COVID-19 - cảnh báo quốc gia này có nguy cơ đối mặt với đợt tái bùng phát dịch bệnh do thiếu miễn dịch trong cộng đồng. Ông Chung Nam Sơn, chuyên gia cố vấn y khoa cấp cao cho chính phủ, cho biết ở thời điểm hiện tại, đa số người dân Trung Quốc vẫn dễ mắc COVID-19 do không có miễn dịch. Ông nêu rõ đây là thách thức lớn.

Liên quan tới tình hình tại thành phố Vũ Hán, từng là tâm dịch của Trung Quốc và thế giới, giới chức y tế địa phương cho biết trong ngày 16/5, thành phố đã tiến hành tổng cộng 222.675 cuộc xét nghiệm axit nucleic, gần gấp đôi so với 1 ngày trước đó.

Trong bối cảnh Thái Lan đang từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế khi số ca mắc mới có xu hướng chậm lại, Chính phủ Thái Lan đã cho phép các trung tâm mua sắm và cửa hàng bách hóa tại quốc gia Đông Nam Á này mở cửa trở lại kể từ khi phải tạm ngừng hoạt động hồi tháng 3 vừa qua do COVID-19. Tuy nhiên, các trung tâm mua sắm sẽ phải đóng cửa vào 20h hằng ngày. Những khu vực có đông người tụ tập như rạp chiếu phim hay sàn chơi bowling vẫn tiếp tục đóng cửa.  

 Cùng ngày, Chính phủ Thái Lan nới lỏng một số biện pháp khác như rút ngắn lệnh giới nghiêm ban đêm 1 giờ đồng hồ, từ 23h tới 4h sáng hôm sau, thay vì từ 22h tới 4h sáng hôm sau. Trong ngày 17/5, Thái Lan ghi nhận thêm 3 ca mắc, tiếp nối đà giảm trong những ngày gần đây. Hiện có tổng cộng 3.028 ca mắc tại nước này, trong đó có 2.856 bệnh nhân đã bình phục và 56 ca tử vong.

Bộ Y tế Ấn Độ thông báo nước này đã ghi nhận số ca nhiễm mới hằng ngày cao nhất cho đến nay, thêm 4.987 ca và 120 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại Ấn Độ lên 90.927 ca và 2.872 ca tử vong. Tính đến nay, 34.109 bệnh nhân COVID-19 đã được xuất viện sau khi bình phục. Trước tình hình trên, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định gia hành lệnh phong tỏa toàn quốc đến cuối tháng 5 này.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore ngày 27/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Singapore thông báo đã xác nhận thêm 2 ca mắc, nâng tổng số ca mắc tại đảo quốc này lên 28.0 người. Đại đa số những ca dương tính với virus SARS-CoV-2 mới được phát hiện là các lao động nhập cư sống trong những khu nhà tập thể. Ngoài ra, 4 ca bệnh mới là cư dân thường trú ở Singapore. Hiện số ca tử vong tại Singapore duy trì ở con số 22 ca.  

Giới chức Philippines xác nhận thêm 7 ca tử vong và 208 ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á này. Như vậy, số ca mắc được xác nhận ở Philippines tính đến thời điểm hiện tại là 12.513 ca, trong đó có 824 người tử vong,  2.635 người đã bình phục.

Indonesia ghi nhận thêm 489 ca mắc và 59 ca tử vong trong ngày. Như vậy, tổng số ca mắc tại Indonesia đến nay là 17.514 ca, trong đó 1.148 ca tử vong. Indonesia đang thử nghiệm thuốc Quinine (vốn được dùng để điều trị bệnh sốt rét) trong điều trị bệnh COVID-19, đồng thời đặt mua nhiều loại thuốc khác được một số quốc gia đánh giá là có triển vọng.

Nguyễn Hằng   (TTXVN)
Indonesia tích cực thử nghiệm thuốc điều trị chống COVID-19
Indonesia tích cực thử nghiệm thuốc điều trị chống COVID-19

Indonesia đang thử nghiệm thuốc Quinine trong điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời đặt mua nhiều loại thuốc khác được một số quốc gia đánh giá là có triển vọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN