Tại châu Âu, một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) gồm Italy, Tây Ban Nha, CH Séc đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 của hai hãng Pfizer/BioNTech. Theo Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, nước này bắt đầu tiêm cho các nhân viên y tế và những nhóm dễ bị tổn thương nhất, sau đó mở rộng để tiêm chủng cho toàn dân nhằm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng và tiêu diệt dứt điểm SARS-CoV-2.
Còn Tây Ban Nha chọn những người cao tuổi và điều dưỡng trong viện dưỡng lão Los Olmos, tại tỉnh Guadalajara, miền Trung nước này là những đối tượng đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm phòng vaccine COVID-19. Trong khi đó, Thủ tướng CH Séc Andrej Babis trở thành người đầu tiên được tiêm phòng vaccine, ngay trước khi các bệnh viện khác tại thủ đô Praha và thành phố lớn thứ hai nước này là Brno bắt đầu phân phối tổng cộng 9.750 liều vaccine mà cả nước nhận được.
Tại châu Á, Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc sáng 27/12 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 970 ca nhiễm, chấm dứt chuỗi ngày 10 ngày liên tiếp ghi nhận trên 1.000 ca/ngày. Nguyên nhân là do công tác xét nghiệm vào thời điểm cuối tuần giảm so với ngày thường. Do đó, điều này không phản ánh diễn biến dịch bệnh tích cực tại Hàn Quốc.
Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định gia hạn quy định giãn cách xã hội ở cấp độ 2,5 - mức cao thứ hai trong hệ thống cảnh báo của nước này, tại khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận cho đến ngày 3/1/2021, theo đó không nâng cấp độ giãn cách xã hội lên mức cao nhất bất chấp số ca mắc COVID-19 tăng mạnh. Tại các khu vực khác, mức giãn cách xã hội ở cấp độ 2 sẽ được áp dụng cho đến ngày 3/1/2021. Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Hàn Quốc Noh Young-min cho biết nước này sẽ bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 cho nhân viên y tế và người cao tuổi từ tháng 2/2021.
Ủy ban Y tế Trung Quốc thông báo Trung Quốc đại lục có 22 ca nhiễm mới, trong đó có 12 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 10 ca nhập cảnh. Trong số 12 ca lây nhiễm trong cộng đồng, có 7 ca tập trung tại tỉnh Liêu Ninh và 5 ca tại thủ đô Bắc Kinh. Tính đến hết ngày 26/12, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 86.955 ca nhiễm, nhưng hiện chỉ còn 334 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị. Chính quyền thành phố Bắc Kinh cũng vừa siết chặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19 do lo ngại hoạt động đi lại ồ ạt của người dân trong dịp lễ có nguy cơ khiến số ca mắc bệnh tại thủ đô tăng vọt.
Bộ Y tế Indonesia công bố thêm 6.528 ca mắc trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 713.365 ca. Số ca tử vong tại Indonesia tăng thêm 243 ca lên 21.237 ca. Trong khi đó, số ca bình phục và xuất viện tại nước này tăng thêm 6.983 người lên 583.676 người.
Chính phủ Thái Lan xác nhận có 121 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 94 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 18 lao động nhập cư Myanmar ở tỉnh Samut Sakhon. Đến nay, Thái Lan ghi nhận 6.141 ca mắc COVID-19, trong đó có 60 ca tử vong, 4.161 ca đã hồi phục và được xuất viện.
Tình hình dịch bệnh tại Philippines có dấu hiệu tích cực khi nước này ghi nhận số ca mắc mới trong ngày ở mức thấp nhất trong hơn 5 tháng qua. Cụ thể, Bộ Y tế cho biết Philippines đã ghi nhận thêm 883 ca mắc mới cùng ngày 27/12, số ca mắc mới trong ngày thấp nhất kể từ ngày 14/7 khi quốc gia Đông Nam Á này công bố 634 ca mắc mới. Theo đó, tổng số ca mắc tại Philippines tăng lên 469.886 ca. Số ca tử vong thêm 42 ca lên 9.109 ca trong khi số ca bình phục tăng thêm 7.635 ca lên 4.678 ca.
Tại Trung Đông, Iran ghi nhận số ca tử vong trong một ngày thấp nhất trong hơn 3 tháng. Cụ thể, Iran công bố thêm 119 ca tử vong trong ngày 27/12, mức thấp nhất kể từ ngày 12/9 khi nước này ghi nhận 116 ca, nâng tổng số ca không qua khỏi tại quốc gia Trung Đông lên 54.693 ca. Trong khi đó, tổng số ca mắc tại quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất khu vực do dịch bệnh tăng thêm 5.502 ca trong 24 giờ qua lên 1.200.465 ca.
Từ 17h giờ địa phương (22h giờ Việt Nam), Israel bắt đầu thực hiện đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ ba trong năm nay để phòng dịch COVID-19. Đợt phong tỏa lần này dự kiến kéo dài ít nhất 2 tuần. Trong thời gian phong tỏa, người dân không được đến nhà người khác, không được đi ra ngoài bán kính 1.000 mét cách nơi sinh sống, ngoại trừ các mục đích như đi tiêm phòng dịch, khám chữa bệnh, tập thể dục cá nhân, đi làm hoặc đi học ở những địa điểm được cấp phép..., với điều kiện tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội. Mức phạt cho mỗi trường hợp vi phạm là 500 NIS (khoảng 155 USD).
Trong ngày, thế giới đã lần đầu tiên kỷ niệm Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh (International Day of Epidemic Preparedness) 27/12. Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh 27/12 được kỷ niệm theo Nghị quyết vừa được Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) thông qua các đây 20 ngày. Đây là nghị quyết đầu tiên của ĐHĐ LHQ trong lĩnh vực an ninh y tế toàn cầu, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công tại cơ quan duy nhất của LHQ có đại diện của tất cả quốc gia thành viên.