Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến trên 2,6 triệu người tử vong cũng như gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu kể từ khi bùng phát vào cuối năm 2019. Trong thời gian 15 tháng từ đó đến nay, giới khoa học đã phát triển nhiều loại vaccine để chống lại căn bệnh này. Tuy nhiên, bí ẩn lớn nhất của COVID-19 vẫn chưa được sáng tỏ.
Mãi đến tháng 1/2021, nhóm nhà điều tra quốc tế do WHO thành lập mới được đến Vũ Hán để bắt đầu cuộc điều tra thực địa dài 1 tháng. Sứ mệnh của đoàn điều tra nhằm tìm ra các manh mối để nắm được cách thức virus SARS-CoV-2 đã lây truyền từ động vật sang con người thế nào.
Giờ đây, 1 tháng đã trôi qua kể từ ngày rời Vũ Hán, đội điều tra và các đồng nghiệp ở Trung Quốc sắp sửa công bố kết quả họ tìm được. Báo cáo này được kỳ vọng giúp chỉ ra các giả thuyết khả thi nhất về đại dịch.
Hãng thông tấn AFP đưa tin trong khi giới chính trị gia toàn cầu muốn nhận được câu trả lời ngay lập tức, việc vạch ra nguồn gốc chính xác của một đại dịch cần đầu tư thời gian và đôi khi là không có kết quả. Tuy nhiên, các thành viên phái đoàn WHO đều bày tỏ lạc quan.
"Tôi tin rằng chúng ta sẽ sớm tìm ra thôi. Trong vòng vài năm tới, chúng ta sẽ có dữ liệu thực sự quan trọng về nguồn gốc và cách nó xuất hiện", nhà động vật học người Anh Peter Daszak, thành viên phái đoàn WHO, chia sẻ hôm 10/3.
Trước đó, ngày 9/2, nhóm điều tra đã tổ chức một cuộc họp báo dài tại Vũ Hán trước khi rời đi, đưa ra một cái nhìn thoáng qua về điều có thể xuất hiện trong bản báo cáo. Các chuyên gia tin rằng SARS-CoV-2, chủng virus gây bệnh COVID-19, bắt nguồn từ loài dơi và lây sang con người qua một loại động vật trung gian.
Tuy nhiên, mẫu phẩm của hàng chục ngàn động vật hoang dã, vật nuôi hay thú cưng tại khu vực này đều không chỉ ra dấu vết của virus. Cộng đồng khoa học cũng không chắc chắn về địa điểm và thời điểm bùng phát COVID-19, mặc dù các ca bệnh ở Vũ Hán vẫn được biết đến sớm nhất.
Giả thuyết khả thi nhất
Đoàn điều tra của WhO đã đưa ra một số giả thuyết về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.
Phát biểu tại một sự kiện do Tổ chức nghiên cứu Chatham House của Anh tổ chức tuần trước, Tiến sĩ Daszak nói: “Có một đường ống dẫn từ Vũ Hán đến các tỉnh phía Nam Trung Quốc, nơi các họ hàng gần nhất với Sars-CoV-2 được tìm thấy ở loài dơi”. Theo ông, đường ống này có thể là con đường để virus lây từ động vật hoang dã sang con người hoặc sang đông vật nuôi ở Vũ Hán, sau đó bị đem bán tại các khu chợ.
Đội điều tra cũng không loại trừ khả năng virus lây truyền qua thịt đông lạnh. Phía Bắc Kinh cũng xem bao bì thực phẩm đông lạnh nhập khẩu là nguồn lây nhiễm virus khả thi nhất.
Nhà virus học Hà Lan Marion Koopmans, một thành viên điều tra, cho rằng việc lây nhiễm virus có thể xảy ra khi người mắc bệnh chạm vào sản phẩm thịt đông lạnh, nhưng nguồn gốc của COVID-19 không chỉ nằm trên bao bì sản phẩm. Bà và các đồng nghiệp cho biết thịt thú rừng đông lạnh từ các địa phương lân cận Vũ Hán cũng là giả thuyết có lý.
Bà Koopmans tiết lộ giả thuyết virus rò rỉ từ Viện Virus Vũ Hán – điều mà chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump tán thành – chính là giả thuyết ít khả năng xảy ra nhất trong danh sách của đoàn điều tra WHO. Chủ đề này đã bị đánh giá thấp tại cuộc họp báo ở Vũ Hán.
Tuy nhiên, tại Geneva, khi những đám mây hoài nghi vẫn còn che phủ, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định tất cả các giả thuyết vẫn cần được xác định lại, đồng thời cam kết sẽ minh bạch về báo cáo.
Thế giằng co
Dù công khai hay giấu kín, Trung Quốc và Mỹ đều đã nhảy vào một cuộc giằng co về nội dung của báo cáo. Kế hoạch công bố bản tóm tắt trước và báo cáo chính tiếp theo đã bị hủy bỏ vào cuối tháng 2 mà không có bất kỳ lời giải thích thực sự nào từ WHO.
Nhà Trắng, vốn lo ngại về việc bản báo cáo tóm tắt sẽ không chứa đựng đủ thông tin, đã bày tỏ sự vui mừng và tuyên bố ủng hộ sự thay đổi kế hoạch của WHO.
Các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc đã nhiều lần bất đồng ý kiến trong khi chờ đợi kết quả điều tra. Một bên kêu gọi sự minh bạch hơn, bên kia lại nhấn mạnh rằng sứ mệnh chỉ có thể thực hiện được với sự hợp tác về mặt khoa học của Bắc Kinh.
Ông Donald Trump từng cáo buộc WHO là con rối của Trung Quốc. Mặc dù người kế nhiệm Joe Biden đã thay đổi quan điểm đối với cơ quan y tế của Liên hợp quốc kể từ khi nhậm chức, nhưng Washington vẫn tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về cuộc điều tra của WHO, đồng thời thúc giục Bắc Kinh cung cấp thêm thông tin.
Và áp lực không chỉ đến từ phía Mỹ. Ông Walter Stevens, Đại sứ của Liên minh châu Âu tại Liên hợp quốc, gần đây đã yêu cầu bản báo cáo phải hoàn toàn minh bạch và trả lời được các câu hỏi trọng tâm.
Đoàn điều tra WHO khẳng định họ có quyền tiếp cận tất cả các địa điểm họ muốn đến cũng như các nhân vật mà họ muốn gặp tại Vũ Hán. Tuy nhiên, trưởng nhóm Peter Ben Embarek vẫn đề nghị được cung cấp thêm dữ liệu để có thể đi sâu hơn vào cuộc điều tra.