Thế nhưng, do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, hoạt động truyền thống ấy đã không thể thực hiện trong năm nay, khi người dân phải tuân thủ các quy định hạn chế xã hội để phòng dịch, các dịch vụ đã chuyển sang hình thức trực tuyến trong khi những món quà tặng cũng thưa đi đáng kể.
Bà Patricia Hager, 60 tuổi, đã gửi những chiếc bánh cuộn caramel mà bà tự làm cho bữa điểm tâm tới gia đình và các bạn bè ở Bismarck, thuộc bang North Dakota (Mỹ) - một bang đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Về phần mình, hầu như mỗi lần mở cửa nhà, bà lại thấy ai đó đã gửi tặng bà cá hồi hun khói, những giỏ các loại hạt hoặc bánh quy. Bà Hager chia sẻ: "Giáng sinh năm nay tình yêu được thể hiện ngay ở cửa nhà bạn. Tôi rất vui vì mọi người có thể sẽ đến với chúng tôi vào năm tới khi đã có vaccine. Tôi có thể từ bỏ mọi thứ để có được điều ấy".
Với các nền kinh tế đang quay cuồng vì đại dịch, đây không phải là một năm của những món quà xa xỉ. Bà Robin Sypniewski sống tại hạt Middlesex, thuộc bang New Jersey (Mỹ) đã hai lần bị buộc phải chấm dứt công việc phục vụ bữa trưa ở trường học và hiện bị giảm giờ làm, trong khi chồng bà - một người thu gom rác - cũng sẽ mất việc làm từ tuần tới do công ty cắt giảm nhân sự và con gái của bà vật lộn với khoản học phí đại học.
Giáng sinh năm nay, bà Sypniewski (58 tuổi) chỉ có thể mua tặng con gái một bộ đồ ngủ, trong khi món quà dịp này hồi năm ngoái là một chiếc vòng tay gắn kim cương. Trong khi đó, món quà bà dành tặng chồng là một vật lưu niệm trị giá 20 USD - trị giá đã giảm đi rất nhiều so với chiếc máy tính bảng của năm ngoái.
Tại Sao Paulo (Brazil), tài xế Dennys Abreu, 56 tuổi, đã phải chạy xe taxi khắp thành phố suốt đêm để có tiền trang trải khoản tiền trả góp 300 USD/tháng cho chiếc ô tô mà anh mua sau khi mất việc làm. Tại Brazil, ước tính có khoảng 14 triệu người cũng rơi vào tình trạng mất việc làm như ông Abreu. Anh chia sẻ: "Tôi cố gắng làm việc hết sức mình, cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn và hy vọng loại virus chết tiệt này sẽ biến mất vào năm tới".
Với đứa con sắp chào đời vào tháng 2/2021, cô Song Ju-hyeon sống tại Paju (Hàn Quốc) cho biết nhà là nơi duy nhất cô cảm thấy an toàn. Giới chức y tế Hàn Quốc đã xác nhận nước này có thêm 1.241 ca mắc COVID-19 trong ngày 25/12 - mức ghi nhận theo ngày cao nhất tại đây. Cô cho biết: "Dù sao thì tôi cũng không cảm thấy giống như lễ Giáng sinh, không có những bài hát mừng vang lên trên đường phố".
Tờ Daily Nation của Kenya thì chơi chữ khi gọi lễ Giáng sinh năm nay là "Christmask", ám chỉ đến quy định rằng mọi người dân cần phải đeo khẩu trang để phòng dịch. Số các ca mắc COVID-19 tăng đột biến tại quốc gia châu Phi này thậm chí đã khiến các bác sĩ tại đây phải "bất đắc dĩ" chấm dứt cuộc đình công đang tiến hành trong đêm Giáng sinh để hợp sức cứu chữa cho các bệnh nhân. Hoạt động mừng ngày Giáng sinh trở nên im lìm tại quốc gia Đông Phi này do lệnh giới nghiêm đã khiến người dân không thể tới thực hành nghi lễ tại các nhà thờ suốt đêm như mọi năm.
Giáo hoàng Francis đã đọc thông điệp Giáng sinh trong tòa thánh Vatican, thay vì hoạt động truyền thống của Ngài là phát biểu từ ban công của Vương cung thánh đường Thánh Peter trước hàng chục nghìn người ở Quảng trường Thánh Peter. Du lịch ở Italy hầu như đã bị "đóng băng" do những quy định hạn chế của chính phủ nước này nhằm ngăn chặn chuỗi lây lan của virus SARS-CoV-2. Cũng vì những quy định này, người dân đã không còn đổ xô đến các quảng trường như những năm trước nữa.
Mặc dù vậy, Giáo hoàng Francis vẫn hướng mọi người tới sự lạc quan. Ông ví những tiến bộ trong công tác phát triển vaccine ngừa COVID-19 là "Ánh sáng của hy vọng" trên thế giới. Ông đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo, các doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế cần đảm bảo rằng những người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất trong đại dịch sẽ là những người đầu tiên được tiêm phòng vaccine.
Những hồi chuông vẫn ngân vang tại Bethlehem trong lễ Giáng sinh để kỷ niệm ngày Chúa Jesus chào đời. Nhưng việc Israel đóng cửa sân bay quốc tế đối với khách du lịch nước ngoài, trong khi chính quyền Palestine cấm đi lại liên tỉnh tại các khu vực họ quản lý ở Bờ Tây đã khiến du khách vắng bóng tại vùng đất thiêng này.
Ở Bắc Kinh (Trung Quốc), các nhà thờ đã đột ngột thông báo hủy bỏ thánh lễ sau khi khu vực thủ đô được đặt trong tình trạng báo động do phát hiện 2 trường hợp mắc COVID-19 vào tuần trước và tiếp đó là 2 trường hợp mắc bệnh không biểu hiện triệu chứng trong ngày 25/12.
Trên thế giới, hầu hết các nghi lễ nhà thờ đã chuyển sang hình thức trực tuyến. Tổng Giáo phận Công giáo Los Angeles (Mỹ) đã cử hành 5 thánh lễ tại Nhà thờ Đức Mẹ Thiên thần, với số người tham dự lên tới hơn 130 người. Tất cả các thánh lễ đều được phát trực tiếp trên nền tảng internet.
Nhà nguyện Thánh giá ở Chapel Hill thuộc bang North Carolina (Mỹ) cũng tiến hành 5 thánh lễ, nhưng số người tham dự trực tiếp chỉ giới hạn ở mức 25 người, so với con số 2.000 người trước đại dịch. Mục sư Elizabeth Marie Melchionna cho biết: "Từ hàng trăm năm nay, những người theo đạo Thiên chúa đã tổ chức lễ Giáng sinh trong đủ mọi hoàn cảnh. Có nhiều hình thức khác nhau, nhưng bản chất của hoạt động này thì vẫn như cũ. Điều không thay đổi là sự khao khát căn bản và việc trao nhau những cảm xúc yêu thương nhân ngày Chúa được sinh ra".