Theo thông tin mới nhất của trang mạng worldometers.info, tính tới nửa đêm 31/3, trên thế giới đã có 828.116 người nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó riêng ngày 31/3 là 2.960 trường hợp. Tổng số người thiệt mạng là 41.407 trường hợp.
Mỹ đã chính thức vượt qua Trung Quốc, nơi khởi phát dịch COVID-19 hồi tháng 12/2019, về số ca tử vong. Tới rạng sáng 1/4 (giờ Việt Nam), Mỹ đã ghi nhận 3.431 ca tử vong, trong khi Trung Quốc dường như đã qua đỉnh dịch và hiện có 3.305 người thiệt mạng.
Trong 24h qua, Mỹ đã có thêm 290 ca tử vong mới và 12.730 bệnh nhân mới. Nước này cũng dẫn đầu thế giới về số lượng bệnh nhân COVID-19 với 176.518 ca, tăng tới 12.730 trường hợp so với một ngày trước.
Trên toàn thế giới, Italy vẫn là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất, 12.428 trường hơp, xếp tiếp theo là các nước Tây Ban Nha, Mỹ, Trung Quốc và Pháp.
Đây là thời điểm dịch bệnh vẫn đang hoành hành mạnh tại Mỹ, các quốc gia châu Âu và Iran. Trong ngày này, nhiều quốc gia vẫn tiếp tục ban hành những biện pháp nghiêm ngặt hơn nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, cho thấy dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và không dễ kiểm soát trong thời gian ngắn.
Theo Đại học Johns Hopkins, khi số ca tử vong ở Mỹ vượt 3.000 người, Tổng thống Donald Trump thông báo Mỹ đã tiến hành xét nghiệm cho 1 triệu người dân trên cả nước, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào, "đánh dấu một cột mốc lịch sử trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2".
Các bang Maryland, Virginia và thủ đô Washington, cùng bang Arizona đã ban hành lệnh yêu cầu người dân ở trong nhà ngoại trừ trường hợp thiết yếu. Trước đó, một số bang như California hay Michigan cũng ban hành lệnh trên nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Cũng trong ngày 31/3, tàu bệnh viện quân sự USNS Comfort với 1.000 giường bệnh đã cập cảng Manhattan, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ thành phố New York nói riêng và bang cùng tên nói chung đang gồng mình chống chọi với COVID-19.
Đáng chú ý tại châu Âu, sau một ngày ghi nhận số ca tử vong mới giảm nhẹ, ngày 31/3, Tây Ban Nha lại công bố thêm 849 ca tử vong, mức cao kỷ lục được ghi nhận trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng phát, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 8.189 ca. Nước này cũng ghi nhận thêm 9.222 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 94.417 ca.
Tại Trung Đông và châu Á, dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường ở Iran và Nhật Bản. Ngày 31/3, Bộ Y tế Iran cho biết số ca tử vong đã tăng lên 2.898 người, sau khi có thêm 141 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tổng số ca nhiễm COVID-19 ở quốc gia Trung Đông này hiện là 44.606 người.
Trong nỗ lực hỗ trợ quốc gia Trung Đông này chống dịch, các nước châu Âu đã chuyển những trang thiết bị y tế tới Iran thông qua giao dịch đầu tiên theo cơ chế INSTEX, vốn được lập ra để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt với Tehran. Trong khi đó, thủ đô Tokyo của Nhật Bản trong ngày 31/3 đã ghi nhận thêm 78 ca nhiễm, mức tăng kỷ lục trong một ngày kể từ trước tới nay.
Để đẩy mạnh các nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trong ngày 31/3, một số quốc gia như Mexico và Indonesia đã ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp y tế quốc gia để người dân hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh cũng như tầm quan trọng của việc ở nhà, tránh ra đường khi không cần thiết nhằm giảm tốc độ truyền nhiễm và tránh việc hệ thống y tế bị quá tải.