G20 không lên án chủ nghĩa bảo hộ
Ngày 29/6, kết thúc 2 ngày làm việc tại thành phố Osaka phía Tây Nhật Bản, lãnh đạo các quốc gia trong G20 đã ra tuyên bố chung thúc đẩy thương mại “tự do, công bằng và không phân biệt đối xử”.
Tuy nhiên kết quả này vẫn không đạt được cam kết chống chế độ bảo hộ, trong bối cảnh năm thứ 2 thế giới phải chật vật với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Tuyên bố chung nêu rõ các quốc gia sẽ thúc đẩy thương mại "tự do, công bằng và không phân biệt đối xử" cũng như cam kết sử dụng "tất cả các công cụ chính sách" để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh “những căng thẳng thương mại và địa chính trị gia tăng".
Bên cạnh đó, 19 nước thành viên trong G20, ngoại trừ Mỹ, đã nhất trí "không thể đảo ngược" thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và cam kết thực thi đầy đủ thỏa thuận.
Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra với sự tham gia của các nguyên thủ/lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới và 8 quốc gia khách mời, cùng với lãnh đạo 9 tổ chức quốc tế quan trọng của thế giới. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị với tư cách khách mời.
Đáng chú ý bên lề hội nghị đã diễn ra hàng loạt cuộc gặp song phương giữa các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế thành viên và các quốc gia khách mời. Nổi bật trong đó là các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo Tân Hoa xã, trong cuộc hội đàm vào trưa 29/6, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí nối lại đàm phán thương mại song phương. Mỹ thông báo sẽ không tiến hành áp thuế bổ sung nhằm vào hàng hóa Trung Quốc cũng như cho phép tập đoàn công nghệ Huawei Technologies Co. tiếp cận và mua các sản phẩm của các nhà cung cấp Mỹ. Đây được cho là một quyết định mang tính nhượng bộ của nhà lãnh đạo Mỹ sau cuộc hội đàm “tuyệt vời” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong khi đó, với cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Tổng thống Trump nhất trí cải thiện quan hệ song phương, nhấn mạnh điều này sẽ có lợi cho cả hai nước cũng như thế giới.
Nắng nóng cực đoan trên toàn cầu
Những ngày này, "nắng nóng kỷ lục" là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất, khi nhiệt độ tại nhiều khu vực ở châu Âu đã chạm hoặc thậm chí vượt ngưỡng kỷ lục tồn tại thế kỷ qua.
Ngày 28/6, Pháp đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục nhất ở nước này từ trước tới nay, với nhiệt độ 44,3 độ C được ghi nhận ở miền Nam. Dự báo rất có thể mức nhiệt kỷ lục mới sẽ được thiết lập trong ngày 28/6 do nhiệt độ 44,3 độ C được ghi nhận vào thời điểm vẫn còn khá sớm trong ngày.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 78 khu vực tại Pháp thuộc diện cảnh báo màu cam trong tổng số 101 khu vực đối mặt với thời tiết cực đoan. Nước Pháp chưa quên được ký ức đau buồn gần 15.000 người tử vong do nắng nóng trong mùa Hè năm 2003. Tại một số địa phương của Pháp, trường học được lệnh tiếp tục đóng cửa hết tuần. Một số thành phố cũng cấm ô tô đi vào trung tâm để giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Trong khi đó ở Tây Ban Nha, Cơ quan Khí tượng Aemet dự báo nhiệt độ tại 5 tỉnh miền Bắc nước này lên tới 42 độ C. Một thanh niên 17 tuổi ở khu vực Cordoba, miền Nam nước này, đã trở thành nạn nhân đầu tiên bị sốc nhiệt trong đợt nắng nóng hoành hành.
Tại Đức, nhiệt độ đo được ở thành phố Coschen ngày 26/6 đã lên đến ,6 độ C, phá vỡ kỷ lục của tháng 6 năm ngoái. Các tuyến đường sắt gần Rostock đã bị cong vênh so với hình dạng bình thường. Dưới thời tiết oi bức, nhiều người dân ở Đức đã nghĩ ra cách cởi bỏ quần áo để làm mát cơ thể.
Giới khí tượng học cho rằng luồng khí nóng từ Bắc Phi khiến nắng nóng như thiêu đốt xuất hiện vào đầu mùa hè ở châu Âu.
Cũng trong tháng này, Ấn Độ trải qua đợt nắng nóng kỷ lục, với nhiệt độ lên tới 50 độ C. Ít nhất 92 người đã thiệt mạng vì nắng nóng tại bang Bihar, Ấn Độ. Ngoài ra, khoảng gần 600 người khác đã phải nhập viện điều trị vì nhiệt độ tăng tới 50 độ C. Đợt nóng lần này đang ảnh hưởng đến gần hai phần ba đất nước. Hàng chục ngàn người trong các ngôi làng bị hạn hán đã rời bỏ nhà cửa để tìm nước sinh hoạt.