Nga-Mỹ căng thẳng vì “Báo cáo Kremlin”
Trong "Danh sách Kremlin" của Mỹ có nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: RT
|
Ngày 30/1, Bộ Tài chính Mỹ công bố danh sách được gọi là “báo cáo Kremlin” đe dọa ảnh hưởng tới mối quan hệ Nga-Mỹ. Báo cáo gồm tất cả thành viên Chính phủ Nga, đứng đầu là Thủ tướng Medvedev, 9 Phó Thủ tướng, 22 Bộ trưởng và 96 doanh nhân bị đưa vào danh sách là những người có tài sản từ 1 tỷ USD trở lên. Ngoài ra, “Báo cáo Kremlin” còn có phụ lục mật, trong đó có thể bao gồm các cá nhân có tài sản trị giá ít hơn và các cá nhân không phải là quan chức cấp cao.
“Báo cáo Kremlin” là một phần thuộc luật trừng phạt do Tổng thống Mỹ Donald Trump ký trong tháng 8/2017 dù những cá nhân có tên hiện chưa bị trừng phạt.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cảnh báo chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang xem xét các biện pháp trừng phạt đối với những nhân vật được nêu trong cái gọi là "Báo cáo Kremlin" mà bộ này vừa trình lên Quốc hội Mỹ.
Bình luận về "báo cáo Kremlin", Tổng thống Putin cho rằng động thái này gây tổn hại đến mối quan hệ vốn đang xấu đi giữa Mỹ và Nga. Tuy nhiên, ông Putin cũng nhấn mạnh rằng Moskva hiện không lên kế hoạch trả đũa vụ việc này.
Phản ứng trước “Báo cáo Kremlin” của Mỹ, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, một trong những quan chức bị nêu tên trong đó, cho rằng tài liệu này vô giá trị.
Ngày 31/1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đánh giá rằng “báo cáo Kremlin” rõ ràng là nỗ lực trực tiếp để gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử sắp tới tại Nga.
Ngày 1/2, Moskva đã đưa ra cảnh báo đi lại, khuyến cáo công dân Nga cân nhắc kĩ trước khi ra nước ngoài, do nguy cơ bị bắt giữ và dẫn độ đến Mỹ. Theo Bộ Ngoại giao Nga, bất chấp phía Nga kêu gọi cải thiện hợp tác giữa bộ ngành 2 bên, kể từ đầu năm 2017, hơn 10 công dân Nga đã bị bắt giữ tại nước ngoài dưới sự can thiệp của Mỹ.
Trong một diễn biến liên quan, trả lời hãng tin Sputnik ngày 30/1, ông Stefan Meister - thành viên của Ủy ban Chính sách Đối ngoại Đức - cho rằng động thái công bố “Báo cáo Kremlin” của Mỹ có thể dẫn đến những diễn biến phức tạp trong mối quan hệ giữa Washington và châu Âu.
Thông điệp liên bang đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump có thông điệp liên bang đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Ảnh: NBC News |
Sáng 31/1 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đọc Thông điệp Liên bang đầu tiên từ khi đắc cử. Thông điệp năm 2018 được ông Trump đọc trước lưỡng viện Quốc hội với chủ đề "Xây dựng một nước Mỹ an toàn, mạnh mẽ và tự hào".
Sau khi nhấn mạnh vào những khó khăn mà nước Mỹ đã phải trải qua, Tổng thống Trump đã kêu gọi tất cả cả nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ, vượt qua những mâu thuẫn và khác biệt để tìm kiếm điểm chung, cùng nhau "xây dựng một nước Mỹ an toàn, mạnh mẽ và đầy tự hào".
Bài phát biểu của Tổng thống Trump đề cập đến những thách thức mà nước Mỹ đang phải đối mặt, đặc biệt là vấn đề nhập cư. Ông cho rằng chính sách nhập cư hiện hành vẫn còn "lỗ hổng", khi vẫn để cho những tay buôn ma túy tràn vào nước này, làm gia tăng số lượng súng đạn, tội phạm và cướp đi sinh mạng của người dân.
Đối với vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Trump cho rằng “sự tự mãn và nhượng bộ chỉ càng tạo cơ hội cho những hành vi khiêu khích và hung hăng", đồng thời khẳng định sẽ không lặp lại sai lầm của những chính quyền trước mà ông cho là đã đẩy nước Mỹ vào hoàn cảnh nguy hiểm hiện nay. Ông nhấn mạnh việc Triều Tiên theo đuổi tên lửa hạt nhân có thể đe dọa nước Mỹ, đồng thời tuyên bố sẽ tiến hành một chiến dịch gây sức ép tối đa để ngăn chặn điều này.
Thông điệp Liên bang đầu tiên của Tổng thống Mỹ đã gây nhiều phản ứng trái chiều cả trong và ngoài nước Mỹ.
Trong phản hồi chính thức của đảng Dân chủ về Thông điệp Liên bang, hạ nghị sĩ Dân chủ bang Massachusetts Joe Kennedy III không đánh giá cao ảnh hưởng của Tổng thống Trump đối với sức mạnh kinh tế Mỹ, cho rằng ông Trump đi ngược lại những mục tiêu nhập cư mà ông đưa ra. Theo Sputnik, nghị sĩ đảng Dân chủ Nancy Pelosi đã phê phán bài phát biểu của ông Trump, cho rằng nó là “bài tự chúc mừng” thiếu đi tầm nhìn, và Tổng thống Mỹ đã chia rẽ đất nước hơn là khiến nước Mỹ trở nên đoàn kết.
Trái lại, nhiều người phản đối quan điểm của đảng Dân chủ và khen ngợi bài phát biểu của ông Trump. Nhà báo Rebecca Ballhaus của tờ Wall Street Journal nhận định Tổng thống Trump đã thể hiện tinh thần lạc quan khi kêu gọi người dân Mỹ “tin ở chính mình” và kêu gọi đoàn kết khi nhắc tới “một gia đình Mỹ”. Bình luận viên chính trị của CNN Steve Cortes viết trên Twitter: “Thời kỳ thất bại kinh tế đã qua đi. Xin cám ơn ngài Tổng thống”.